Để an toàn trong giao dịch mua bán, tôi tìm mọi cách để thuyết phục bên bán nhà rằng trả tiền qua ngân hàng là công bằng và an toàn cho cả bên bán lẫn bên mua, nhưng không ai đồng ý.
Tôi có mơ ước mua được một căn nhà ở Sài Gòn. Nhưng vì qua bao năm tích cóp, hầu bao vẫn còn rất hạn hẹp nên tôi quyết định về Bình Dương.
Vì những đồng tiền tích cóp được là những đồng tiền mồ hôi nước mắt, tôi quyết định tự đặt ra một nguyên tắc là khi mua nhà chỉ chấp nhận phương thức thanh toán 100% thông qua ngân hàng.
Nghĩa là tôi sẽ bỏ toàn bộ số tiền mua nhà vào ngân hàng. Ngân hàng sẽ phong tỏa số tiền này lại. Sau đó bên bán, bên mua, và ngân hàng ký một thỏa thuận dạng như một hợp đồng đảm bảo thanh toán.
Sau khi có được thỏa thuận này, bên bán và bên mua tự hợp tác với nhau để sang tên đổi chủ. Sau khi có được giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất đứng tên tôi trong đó, bên bán sẽ cầm giấy chứng nhận này đến ngân hàng để được thanh toán toàn bộ tiền bán nhà.
Nếu không sang tên đổi chủ được thì bên bán cũng sẽ không lấy được tiền của tôi. Còn nếu sang tên đổi chủ được thì bên bán sẽ được ngân hàng đứng ra đảm bảo thanh toán.
Sau đó, thông qua các kênh giao dịch bất động sản, tôi tìm được khá nhiều nhà ở Bình Dương vừa tầm với khả năng thanh toán của tôi mà diện tích thì cũng tương đối.
Nhưng hỡi ôi, khi tôi đề cập đến phương thức thanh toán thông qua ngân hàng thì tất cả đều tỏ ra lạ lẫm, đầy nghi hoặc, và cuối cùng là họ không đồng ý. Một số thì bắt tôi phải đặt cọc trước, thậm chí có trường hợp bắt tôi phải đặt cọc đến 50% giá trị chuyển nhượng. Nhưng tôi cũng đã từng nghe những vụ cao chạy xa bay với tiền đặt cọc rồi.
Họ rao bán nhà với giá khá mềm khiến rất nhiều người tưởng bở mà lao vào. Nhưng rồi ai họ cũng nhận tiền cọc hết, mỗi người khoảng 15% đến 20% gì đó. Sau khi nhận tiền cọc của khoảng mười mấy hai mươi người thì họ bỏ nhà, ôm tiền cọc bỏ trốn. Vì an toàn là trên hết, nên tôi quyết định không chấp nhận đặt cọc.
Còn có người thì bắt tôi phải chồng đủ tiền ngay tại thời điểm công chứng hợp đồng chuyển nhượng. Nhưng còn thuế thu nhập cá nhân mà đúng ra bên bán phải trả thì sao? Hơn nữa, ký hợp đồng chuyển nhượng xong đâu có chắc là sang tên đổi chủ được. Lỡ vướng phải tranh chấp, hoặc nhà đất đang bị kê biên thi hành án.
Muôn ngàn lý do khác mà những người không chuyên về pháp lý như tôi không thể nào lường hết được. Nếu chồng đủ 100% tiền khi ký hợp đồng thì người bán họ cứ việc ung dung đi về nơi xa, để mặc người mua sống trong run rẩy khi không biết có sang tên đổi chủ được hay không.
Tôi tìm mọi cách để thuyết phục họ rằng phương thức thanh toán thông qua ngân hàng là công bằng, và an toàn cho cả bên bán lẫn bên mua. Nhưng đã có người vặn lại tôi như thế này: lỡ anh câu kết với phía ngân hàng thì sao? Tôi thực sự giật mình với câu hỏi này.
Sinh ra ngân hàng là để đảm bảo chữ tín. Không có chữ tín, chắc chắn ngân hàng đã phá sản lâu rồi. Tôi cũng chỉ nói với họ được như vậy, nhưng hoàn toàn bất lực trong việc thuyết phục họ rằng thanh toán thông qua ngân hàng là công bằng và an toàn cho cả hai bên.
Còn về phía ngân hàng, tôi cũng đã tìm hiểu nhiều ngân hàng khác nhau trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhưng được biết chỉ có 1 ngân hàng là có loại hình dịch vụ làm trung gian thanh toán chuyển nhượng nhà đất kiểu như thế này ở Bình Dương.
Và khi trao đổi với cán bộ ngân hàng thì tôi lại biết thêm một điều rằng tôi là người đầu tiên đến ngân hàng để tìm hiểu về phương thức thanh giao dịch nhà đất thông qua ngân hàng. Điều đó có nghĩa là từ trước đến nay, mua bán bất động sản ở Bình Dương đều là thanh toán trực tiếp giữa bên bán và bên mua.
Và đó là lý do tại sao khi tôi đề nghị phương thức thanh toán thông qua ngân hàng thì nhiều người bán cứ nhìn tôi như thể tôi từ sao Hỏa rơi xuống. Nản lòng với việc tìm mua nhà riêng, tôi đành phải nhìn sang những dự án bất động sản của các công ty lớn, nơi có sự đảm bảo tốt hơn với chữ tín trong giao dịch nhà đất.
(Theo Vnexpress)