Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Tách sổ đỏ khi mua nhà đất đứng tên chung hộ khẩu?

Cập nhật: 06/05/2014 09:10

Hỏi: Tôi đang định mua nhà đất tại huyện Nhà Bè (Tp.HCM), nhưng chủ nhà không tách thửa mà chỉ cho tôi nhập chung hộ khẩu với họ. Xin hỏi, với trường hợp như vậy, sau này tôi có xin cấp giấy chứng nhận riêng cho mảnh đất của mình được không?

Nếu chủ hộ chết không để lại di chúc thì việc xin cấp giấy chứng nhận riêng cho mảnh đất của tôi có thực hiện được không?

Nguyen Chon (chon.nguyen@... )

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, bạn chỉ được xem là chủ sở hữu nhà, quyền sử dụng đất khi nhận chuyển nhượng thông qua đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật và đăng ký quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.

Nếu mua nhà nhưng không tách thửa đất, chưa làm thủ tục chuyển nhượng nhà đất và đăng ký quyền sở hữu thì bạn chưa được xác lập quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp. Việc đăng ký thường trú (nhập chung hộ khẩu) chỉ thể hiện tính pháp lý về vấn đề cư trú, không phải là sự ràng buộc hay chia sẻ về quyền sở hữu đối với nhà, đất.

Trường hợp này theo chúng tôi, bạn phải yêu cầu bên chuyển nhượng thực hiện các thủ tục chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật (ký kết hợp đồng chuyển nhượng có công chứng, thực hiện các nghĩa vụ về thuế, thực hiện đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng…) để bạn thực sự “mua” được nhà, đất và trở thành chủ tài sản của mình.

Nếu bạn không thực hiện các bước chuyển nhượng theo quy định, thì tài sản vẫn đứng tên sở hữu, sử dụng của người chủ hiện tại, sau này chủ hộ để lại di chúc mà để lại tài sản cho bạn thì bạn cũng có thể khai nhận di sản thừa kế để sau đó xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, sử dụng đất cho riêng bạn.

Tuy nhiên giải pháp bạn nêu ra theo chúng tôi là không đảm bảo tính an toàn về mặt pháp lý bởi việc chuyển nhượng cần được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc lập di chúc hay không là ý chí chủ quan của người lập di chúc, hơn nữa quyền tài sản, quyền thừa kế có thể phát sinh nhiều tình huống pháp lý không thể lường trước được một cách chắc chắn.

Luật sư Lê Cao

(Theo TTO)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM