Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Bất động sản và câu chuyện "trốn thuế", "chây ì" tiền thuế

Cập nhật: 15/10/2013 10:48

Trốn thuế, “chây ì” nợ tiền thuế trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) không phải là mới của các doanh nghiệp (DN) và cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này. Đằng sau những hành vi này là cả một câu chuyện dài, chưa có hồi kết…

Không chỉ các DN kinh doanh BĐS nói trên tìm cách trốn thuế, mà các “ông chủ” cho thuê nhà ở cũng dùng đủ “chiêu” để trốn thuế. Nguồn: internet

“Đủ chiêu” trốn thuế

Thời gian gần đây, qua thanh kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện nhiều vụ trốn thuế liên quan đến lĩnh vực xây dựng, BĐS. Điều đáng nói là những vụ việc gian lận, trốn thuế của các DN và cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này ngày càng tinh vi và có chiều hướng tăng lên khi thị trường BĐS trầm lắng.

DN đầu tiên bị cơ quan thuế “tuýt còi” trốn thuế là Tập đoàn BĐS Tân Hoàng Minh. Chi cục Thuế quận Đống Đa - Hà Nội cho biết, dự án D’. Le Pont D’or Hoàng Cầu nợ 142,9 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất. Tuy nhiên, đầu tháng 9/2013, sau khi xem xét tờ trình liên ngành tài chính, thuế, xây dựng về việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất đối với dự án trên, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội đã cho phép Tập đoàn Tân Hoàng Minh được nộp tiền sử dụng đất theo quý. Cụ thể, Tân Hoàng Minh sẽ được gia hạn nộp số tiền trên trong 5 quý, mỗi quý khoảng 28,5 tỷ đồng.

Với “phốt” trên, nhiều người hoài nghi về khả năng tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh khi đến nay chỉ có 1 dự án D’.Palais de Louis tại số 6 đường Nguyễn Văn Huyên được triển khai và cất nóc và dự án D’Le Pont D’or Hoàng Cầu đang được triển khai xây dựng, dự kiến mở bán vào tháng 9/2013 với giá từ 30 – 35 triệu đồng/m2 (chưa VAT). Còn lại hai dự án (D’.Le Roi Soleil và D’.San Raffle) vẫn đang là bãi đất trống.

Tương tự, một DN “đình đám” khác là Hoàng Anh Gia Lai – cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời qua khi lãnh đạo DN này công khai việc tháo chạy khỏi thị trường BĐS. Tuy nhiên, điều ít người biết là đến ngày 30/6/2013, Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn nợ tiền thuế hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, theo Thuyết minh 23 trong Báo cáo hợp nhất của DN này thì nợ đọng tiền thuế đến ngày 30/6/2013 là 345 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế nợ nói trên có đến 217 tỷ đồng là thuế thu nhập DN, 108 tỷ đồng là thuế Giá trị gia tăng, còn lại là thuế khác như thuế tài nguyên...

Không chỉ các DN kinh doanh BĐS nói trên tìm cách trốn thuế, mà các “ông chủ” cho thuê nhà ở cũng dùng đủ “chiêu” để trốn thuế, gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Có thể kể tới “1.001 chiêu trốn thuế” tinh vi trong hoạt động kinh doanh cho thuê nhà ở để lách thuế như: Không đăng ký nộp thuế, không kê khai đúng thời hạn (cho thuê nhà thu tiền rồi nhưng chưa kê khai); Lập 2 hợp đồng cho thuế, xuất trình cho cơ quan thuế hợp đồng có mức giá cho thuê thấp để đóng thuế thấp hơn so với quy định; Cho thuê nhà nhưng lập hợp đồng cho mượn không thu tiền để người cho thuê không phải đóng thuế; Cho thuê nhận tiền qua tài khoản nhưng hợp đồng ghi thanh toán trả tiền mặt, không thông báo tài khoản giao dịch cho cơ quan chức năng…

“Mạnh tay” xử phạt

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước còn có nhiều khó khăn, các đối tượng gian lận sử dụng ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi trốn thuế, đặc biệt rất khó kiểm soát trong lĩnh vực BĐS.

Ông Phi Vân Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, thời gian tới, liên ngành Thuế - Công an sẽ tập trung thanh tra lĩnh vực quản lý, sử dụng hóa đơn tự tin, DN nợ đọng thuế quy mô lớn, một số DN kinh doanh trong lĩnh vực BĐS, DN có dấu hiệu chuyển giá, báo cáo lỗ liên tục.

Đồng thời, liên ngành Thuế - Công an sẽ xây dựng quy chế để phối hợp chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, cơ quan thuế cần đẩy mạnh thanh, kiểm tra chống thất thu thuế, kiên quyết xử lý các trường hợp có hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế.

Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng đưa ra các giải pháp đồng bộ, đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế nợ mới phát sinh. Đó là, khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong lĩnh vực thuế đã được phát hiện, kiến nghị; Truy thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước đối với số tiền phát hiện qua công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra; Tiếp tục phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra, Cơ quan cảnh sát điều tra, quản lý thị trường, Hải quan... trong việc kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vi phạm về thuế...

Để phòng, chống hiệu quả hơn nữa các hành vi trốn thuế trong lĩnh vực BĐS, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa liên ngành Thuế - Công an, cần thêm sự vào cuộc đồng bộ của Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm minh.

Ông Phi Vân Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội

(Theo TCTC)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM