Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Doanh nghiệp bán lẻ tìm kênh tăng trưởng

Cập nhật: 14/07/2021 09:12

(ĐTCK) Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới ngành bán lẻ, song các doanh nghiệp trong ngành niêm yết trên sần chứng khoán như MWG, FRT... đang nỗ lực biến “nguy” thành “cơ”. MWG đẩy mạnh chuỗi Bách Hóa Xanh

Đợt bùng phát dịch bệnh từ cuối tháng 4 tới nay khiến nhiều tỉnh, thành phố trong tình trạng bị phong tỏa đã ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Thế giới di động (mã MWG). Thông tin được ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG chia sẻ, Công ty đã phải đóng cửa nhiều điểm bán hàng trong các chuỗi bán lẻ. Tại TP.HCM, trung tâm kinh tế của cả nước và cũng là thị trường quan trọng của MWG, với 259 cửa hàng Thế giới di động, 123 cửa hàng Điện Máy Xanh, 559 cửa hàng Bách Hóa Xanh, từ ngày 9/7/2021, phần lớn các cửa hàng của Công ty đang tạm thời đóng cửa.

Theo ông Doanh, xu hướng tiêu dùng mùa dịch thay đổi đã tác động đến các doanh nghiệp ngành này. Người dân gia tăng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu, nhưng giảm ngân sách cho hàng điện tử (trừ máy tính xách tay do nhu cầu học trực tuyến và làm việc từ xa). Với việc người tiêu dùng có xu hướng tránh đến những nơi tập trung đông người như chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong mùa dịch, hệ thống Bách Hóa Xanh đang đón nhận cơ hội kinh doanh tốt hơn lúc nào hết.

Ông Doanh cho hay, ngày thường, doanh số của Bách Hóa Xanh vào khoảng 60 - 70 tỷ đồng thì trong những ngày vừa qua tăng lên 90 - 100 tỷ đồng, ngày cao điểm lên tới 120 - 130 tỷ đồng. Nhu cầu thị trường gia tăng, nguồn hàng cùng không thiếu, nhưng việc vận chuyển từ nhà cung cấp của MWG ở các tỉnh vào TP.HCM đang gặp khó khăn. Bình thường, khâu này chỉ mất khoảng 5 tiếng/ngày, nhưng trong điều kiện phòng dịch, phải qua các chốt kiểm dịch, trình giấy xét nghiệm Covid-19 kéo dài mất 15 tiếng. Chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng vì thế tăng vọt.

CEO MWG cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực khơi thông ách tắc của khâu vận chuyển”. Không tiết lộ con số kết quả kinh doanh 6 tháng của MWG, nhưng ông Doanh cho biết, với mảng Bách Hóa Xanh, doanh thu tăng, nhưng chi phí cũng tăng. Còn mảng Điện Máy Xanh và Thế giới di động, doanh thu sụt giảm vì ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

FRT khai thác cơ hội làm việc, học tập trực tuyến

Thông tin từ Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) cho biết, doanh thu quý II/2021 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt quý I (Quý I, FRT ghi nhận doanh thu 4.664 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 30,9 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 19% và 265% so với quý trước đó).

FRT dự kiến 6 tháng đầu năm 2021 duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ 2020. FRT dự kiến lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của FRT nhờ việc liên tục mở thêm các cửa hàng mới và các cửa hàng đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Tính đến hết quý II/2021, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã lên tới 300 cửa hàng (trong đó có 268 cửa hàng đã phát sinh doanh thu) và chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm công nghệ FPT Shop gồm hơn 619 cửa hàng.

Ngay từ những đợt cao điểm dịch từ năm 2020, FRT đã có phương án đảm bảo đầy đủ hàng hóa tồn kho, nâng cao năng lực bán hàng online và giao hàng tận nhà một cách an toàn cho khách hàng. Đặc biệt, từ đầu năm nay, FRT đã đầu tư nâng cấp server phục vụ kinh doanh online, cũng như đầu tư thêm hệ thống kho bãi và logistics. Cuối tháng 7 này, FRT sẽ ra mắt website mới của hệ thống Nhà thuốc Long Châu để phục vụ cho nhu cầu tra cứu thông tin về thuốc cho khách hàng. Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di động FPT Retail cho biết, Công ty đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để ứng biến, tận dụng lợi thế nhu cầu tăng về máy tính để bù cho nhu cầu giảm nhẹ từ điện thoại.

Trong mùa dịch, laptop là nhóm sản phẩm có nhu cầu tăng mạnh và FPT Shop có lợi thế riêng trong mảng kinh doanh sản phẩm này. Do đó, riêng mảng laptop (với mức đóng góp hơn 20%) tăng trưởng hơn 25% đã đóng góp đáng kể vào việc tăng trưởng của toàn FPT Shop. Quý III cũng là quý cao điểm nhất của laptop do là mùa tựu trường, FPT Shop sớm chuẩn bị về lượng hàng dự trữ, xây dựng chương trình khuyến mại đặc quyền cho học sinh, sinh viên để sẵn sàng cho mục tiêu tăng trưởng doanh thu. FRT vừa quyết định sẽ đầu tư 200 tỷ đồng để xây dựng hệ thống phân phối. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện FRT cho biết, việc đầu tư hệ thống phân phối hàng hóa một cách bài bản và hiện đại sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, tăng tốc trong việc mở rộng chuỗi Nhà thuốc Long Châu ở khu vực phía Bắc.

FRT cũng xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống phân phối với tầm nhìn dài hạn để tạo nền tảng vững chắc, đáp ứng nhu cầu logistics khi mở thêm các chuỗi khác trong tương lai. Theo FRT, do nhu cầu mua thuốc tăng cao trong giai đoạn mùa dịch, cùng với việc tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng (ước đạt 270 cửa hàng đến hết quý II/2021) giúp cho doanh thu lũy kế 6 tháng dự kiến gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, như chia sẻ của lãnh đạo FRT tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, chuỗi Nhà thuốc Long Châu vẫn đang trong giai đoạn đầu tư theo hướng phát triển bền vững nên đến năm 2023 vẫn bị lỗ.

Ngành bán lẻ, “trong nguy có cơ”

Bộ Công Thương cho biết, doanh thu bán lẻ 6 tháng đầu năm đạt 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đưa ra nhận định, ngành bán lẻ có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2021. Ngành bán lẻ có khả năng thích ứng nhanh với thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, số lượng sản phẩm đa dạng của các nhà sản xuất trong nước. Hàng tiêu dùng nhanh FMCG sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán lẻ 2021.

PHS ước tính tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ theo hai kịch bản. Với kịch bản tiêm chủng vắc-xin toàn dân được triển khai trong quý III/2021, tốc độ tăng trưởng bán ngành lẻ Việt Nam có thể đạt 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kịch bản 2, tiêm chủng vắc-xin toàn dân được triển khai trong quý IV/2021, tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ Việt Nam có thể đạt 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn đang ưu tiên đẩy mạnh tăng doanh thu ở những mặt hàng có khả năng đóng góp tăng trưởng lớn với hy vọng có kết quả tăng trưởng trong dài hạn. Đồng thời, các doanh nghiệp nỗ lực gia tăng thị phần thông qua M&A.

Quốc Bảo

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM