Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Thị trường chứng khoán tháng 6: Nhận diện cơ hội trong các nhóm ngành

Cập nhật: 14/07/2021 08:42

ĐTCK) Sức mạnh từ dòng tiền đầu tư trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới về thanh khoản và điểm số. Cuộc chơi của dòng tiền

Thông thường, trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, thị trường rơi vào giai đoạn thiếu vắng thông tin tích cực. Nhưng năm nay lại khác, bất chấp dịch Covid-19 bùng phát tại không ít khu công nghiệp và thành phố lớn, VN-Index vẫn xác lập đỉnh mới 1.300 điểm với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Ngay cả khi khối ngoại bán ròng và Covid-19 lây lan dẫn đến phong tỏa, giãn cách tại không ít nơi, dòng tiền có dấu hiệu đổ mạnh hơn vào kênh đầu tư chứng khoán. Giao dịch đặc biệt sôi động, giá trị giao dịch trong phiên sáng 1/6/2021 đạt hơn 23.500 tỷ đồng, khiến hệ thống HOSE quá tải, phải công bố tạm nghỉ phiên chiều. Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản chứng khoán tính đến hết tháng 5/2021 vượt 3,2 triệu tài khoản. Trong đó, tài khoản mở mới trong tháng 5 là hơn 113.674, lũy kế 5 tháng đầu năm 480.490 tài khoản, vượt 20% so với số tài khoản mở mới trong cả năm 2020.

“Nhiều người suy luận, ở nhà vì dịch bệnh thì làm gì để kiếm tiền ngoài đầu tư chứng khoán như các nước khác trên thế giới? Tôi nghĩ, tiền đổ ngày càng nhiều vào chứng khoán là do giá cổ phiếu đang tăng, đầu tư dễ quá, thu lợi trong thời gian ngắn không khó. Tháng 5 vừa qua, có những cổ phiếu tăng giá trên 50% như nhóm ngân hàng SSB, BVB, SGB, VBB, PGB, hay nhóm chứng khoán FTS, MBS, cổ phiếu đơn lẻ ở các nhóm ngành khác như BIO, SVG, DTL, AGM…”, một nhà đầu tư chia sẻ.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, dòng tiền vẫn đang đổ thêm vào thị trường chứng khoán. Trong khi đó, thị trường có một nền tảng khác hỗ trợ, đó là nền kết quả kinh doanh quý II năm trước ở mức thấp. Dù giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng và dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến nhiều nhóm ngành, quý II năm nay, nhiều công ty niêm yết có khả năng đạt được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ông Lân tỏ ra thận trọng, nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, TP.HCM kéo dài số ngày giãn cách, hay các thành phố lớn khác thực hiện giãn cách nhằm phòng chống dịch, thì thị trường chứng khoán có thể điều chỉnh. “Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân tuy lớn, nhưng tôi vẫn cho rằng, họ không phải là nhóm người có quyền quyết định trên thị trường. Do đó, rủi ro điều chỉnh luôn hiện hữu”, ông Lân nói.

Thị trường chứng khoán tháng 6 nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng, VN-Index có thể sớm tiếp cận mốc 1.400 điểm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam cho rằng, khi dòng tiền còn ở lại thị trường thì chứng khoán còn sôi động và tăng trưởng. Thị trường chứng khoán tháng 6 nhiều khả năng sẽ duy trì đà tăng, VN-Index có thể sớm tiếp cận mốc 1.400 điểm. Điều lo ngại hiện nay là hệ thống giao dịch tại HOSE bị quá tải và tình hình có vẻ trầm trọng hơn trong những ngày gần đây khi hoạt động giao dịch gia tăng đột biến.

Ông Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) đánh giá, dòng tiền nội và sự hưng phấn của nhà đầu tư vẫn đang là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường. Dù thị trường tăng nóng, nhưng diễn biến của thị trường chứng khoán trong năm 2021 dự kiến sẽ không lặp lại kịch bản điều chỉnh như năm 2018 (tăng mạnh, sau đó điều chỉnh sâu). Thị trường năm nay đi lên bền vững hơn. Một số ý kiến khác nhìn nhận, mùa đại hội cổ đông gần như đã kết thúc, các thông tin về kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức hay tăng vốn dần trở nên thưa thớt. Lúc này, đà tăng của thị trường không còn phụ thuộc vào các loại thông tin hỗ trợ như vậy, mà tiếp tục phụ thuộc vào dòng tiền mới. Nói cách khác, bất chấp vùng trũng thông tin, chừng nào tiền còn “hăng say” đổ vào chứng khoán, thì cơ hội vẫn còn.

Nhận diện cơ hội trong các nhóm ngành

Tính từ đầu quý II/2021 đến nay, nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán, sắt thép tăng giá nhanh và mạnh, không ít mã vượt lên trên mức giá đầu tư mục tiêu mà các công ty chứng khoán lớn đưa ra. Thực tế cho thấy, tâm lý nhà đầu tư hưng phấn nên các hệ số định giá không được quan tâm hoặc mức định giá “lỏng” hơn. Thậm chí, có cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán được nhà đầu tư định giá theo kiểu doanh nghiệp quy mô càng lớn thì thị giá càng cao, chứ không định giá theo hiệu quả hoạt động, triển vọng lợi nhuận…

Ông Hoàng Thạch Lân nhận xét, bong bóng đang hiện diện trên những nhóm cổ phiếu mà thị giá vượt qua mọi định giá theo giá trị. Các cổ phiếu này trở thành cổ phiếu đầu cơ và có rủi ro cao. Tuy vậy, xét trên quan điểm mặt bằng kết quả kinh doanh quý II năm trước thấp, thì những nhóm ngành nói trên gần như chắc chắn sẽ đạt được mức tăng trưởng cao trong quý II năm nay, dẫn đến chỉ số lợi nhuận và định giá (tương đối) hấp dẫn hơn. Từ nay cho đến khi có thông tin về kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu vẫn có thể tăng thêm, dù kỳ vọng không còn lớn như trước.

Mặt bằng lợi nhuận cùng kỳ năm trước thấp cũng là cơ sở kỳ vọng cho các nhóm ngành khác, ví dụ nhóm có liên quan đến xuất khẩu nông sản, thực phẩm, dệt may, thủy sản, cảng biển, hay nhóm bán lẻ, tiêu dùng, vận tải. Nhưng trong trung hạn, tức 6 tháng cuối năm, diễn biến thị trường rất khó dự đoán. Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện có dự cảm về khả năng điều chỉnh của thị trường sau khi chỉ số có diễn biến tăng điểm kéo dài và phân tích kỹ thuật cho thấy, VN-Index đang chạy theo sóng 5 Elliots, tức đang đến gần đỉnh. Trong khi đó, giá nhiều hàng hóa cơ bản tăng sẽ tác động rõ rệt hơn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp kể từ quý III/2021. Không loại trừ khả năng quý III sẽ có nhiều doanh nghiệp hay nhóm ngành có mức tăng trưởng âm.

Lạm phát trong nước và trên thế giới cũng có thể là yếu tố khiến thị trường suy giảm. Ngoài ra, việc tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 nếu không được đẩy mạnh để sớm đạt miễn dịch cộng đồng thì khó khăn cho doanh nghiệp và xã hội vẫn hiện hữu. Giám đốc đầu tư một công ty quản lý quỹ nội chia sẻ, bên cạnh việc tìm các cơ hội gia tăng lợi nhuận, việc quản lý rủi ro luôn là điều kiện tiên quyết trong đầu tư và trong bất kỳ giai đoạn nào của thị trường. Vì vậy, nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận và không nên sử dụng đòn bẩy cao trong giai đoạn hiện tại nhằm giảm thiểu rủi ro khi thị trường đảo chiều đột ngột.

Nhà đầu tư có thể cơ cấu một phần danh mục sang các nhóm doanh nghiệp dự báo sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý II và III/2021, hoặc các doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức hấp dẫn. Theo anh Nguyễn Hoàng Linh, nhà đầu tư tại Hà Nội, nhóm cổ phiếu ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán nhận được kỳ vọng rất lớn của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh. Nhưng dòng tiền ngắn hạn luôn vận động nhanh và linh hoạt, nên khi nhóm cổ phiếu này tăng giá nhanh, động thái chốt lời có thể xuất hiện bất cứ lúc nào để chuyển sang những cổ phiếu khác có nhiều dư địa tăng, hoặc đã tích lũy đủ lâu, đảm bảo an toàn hơn. Những nhóm ngành đáng quan tâm trong trung và dài hạn là chứng khoán, dầu khí, thép, bán lẻ…

Lưu ý, thị trường hiện nay có sự phân hóa mạnh, bên cạnh những cổ phiếu tăng tốt thì cũng xuất hiện nhiều cổ phiếu liên tục giảm giá. Do đó, bênh cạnh việc duy trì tỷ trọng cổ phiếu không ở mức quá cao để đảm bảo quản trị rủi ro thì nhà đầu tư cần linh hoạt trọng việc chuyển đổi danh mục lướt sóng ngắn hạn theo xu hướng dòng tiền đầu cơ nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRCT khuyến nghị, ngoài nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng, nhà đầu tư nên chú ý đến những ngành dự kiến có triển vọng kinh doanh tích cực.

Ngành dệt may sẽ khả quan hơn khi nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU đang tăng mạnh vì các hoạt động kinh tế - xã hội khôi phục trở lại. Bên cạnh đó, diễn biến tăng của giá hàng hóa cơ bản như lương thực, sắt thép, cao su… trong 5 tháng đầu năm dự kiến sẽ tiếp tục phản ánh tích cực vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất thép, xuất khẩu nông sản, cao su. Ngoài ra, doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp, logistic, cảng biển… cũng đáng chú ý khi chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu dần được khôi phục.

Quốc Bảo

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM