Hiện nay, cách thức ngân hàng đứng sau doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang cảnh báo nguy cơ cho vay vốn theo kiểu “đâm lao phải theo lao” mặc dù tín dụng BĐS tăng trưởng chưa tới mức đáng lo.
Tín dụng BĐS tăng gấp đôi dư nợ chung
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tính tới cuối tháng 5/2015, tín dụng BĐS đã tăng 10,89%. Có thể thấy, tín dụng BĐS tăng nhanh gấp hai lần so với tăng trưởng dư nợ chung của toàn hệ thống (tín dụng toàn hệ thống cùng thời điểm tăng khoảng 5%).
Nguyên nhân tín dụng BĐS tăng là do thị trường này có dấu hiệu ấm lên. Giao dịch nhà ở trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh, đạt hơn 14.000 giao dịch. Hiện nay, dư nợ cho vay BĐS đạt 330.000 tỷ đồng, nghĩa là tăng khoảng 70% so với giai đoạn đầu năm 2012 (thời điểm siết chặt tín dụng BĐS).
Khi trao đổi với phóng viên sau cuộc họp Tổ điều hành kinh tế vĩ mô vào cuối tuần qua, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, tại cuộc họp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải thích về các lo ngại liên quan tới bong bóng BĐS có thể trở lại khi nguồn vốn ngân hàng đổ vào lĩnh vực này tăng nhanh gấp đôi tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn bộ nền kinh tế.
Theo thông tin Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cung cấp, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vừa qua BĐS có nhiều khởi sắc, các dự án được khởi công và tiếp tục triển khai nên vốn vào lĩnh vực này tăng và thị trường đã ấm lên. Tiêu thụ sản phẩm BĐS tăng lên nên lĩnh vực này thu hút vốn là bình thường. Trong số đó, không chỉ có vốn từ các ngân hàng. Hơn nữa, việc tăng này thuộc phân khúc nhà đầu tư bán trực tiếp đến khách hàng, không thông qua trung gian nên ngân hàng có thể kiểm soát các dự án có sản phẩm. Vì thế, hạn chế bong bóng BĐS và nợ xấu phát sinh.
Hiện nay, đang cảnh báo nguy cơ cho vay BĐS, ngân hàng phải nuôi doanh nghiệp để đòi nợ
Được biết, trả lời câu hỏi của phóng viên trước đó về hiện tượng tăng mạnh của tín dụng BĐS, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tín dụng BĐS tăng chưa tới mức đáng lo ngại vì tỷ trọng còn nhỏ, chiếm 8,3% trong tổng dư nợ toàn hệ thống. Thêm nữa, tín dụng BĐS thời gian qua chủ yếu phục vụ nhu cầu thực (xây dựng, hoàn thành các khu xây dựng nhà ở cho thuê và bán, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân) chứ không phải là đầu tư vào kinh doanh BĐS.
Các ngân hàng đang phải “theo lao”?
Hiện tại, gần như tất cả ngân hàng thương mại cổ phần đều tham gia tài trợ các dự án BĐS và cho vay mua nhà. Ngược lại, hầu như các doanh nghiệp đầu tư BĐS đều có một ngân hàng đứng sau tài trợ vốn. Đó chính là lý do nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, nhiều ngân hàng hiện đang phải cho vay theo kiểu trót "đâm lao thì phải theo lao”.
Khi trao đổi với phóng viên, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đã cho hay, nhiều doanh nghiệp BĐS đang tồn tại chủ yếu dựa vào nguồn tín dụng ngân hàng. Ngân hàng ngừng bơm vốn, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ đổ vỡ. Vị chuyên gia này phân tích, chính vì thế, nhiều ngân hàng trước đó trót cho doanh nghiệp BĐS thì nay phải đầu tư tiếp để xây dựng những dự án mới tính thanh khoản cao hoặc hoàn thành dự án dang dở để vực dậy doanh nghiệp. Đây thực chất là một cách “nuôi nợ” để đòi nợ.
Ngay cả trường hợp doanh nghiệp BĐS không vướng nợ xấu, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cho vay BĐS luôn tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi tín dụng tăng trưởng nóng kèm theo nguy cơ “bong bóng”. TS. Hiếu cảnh báo, ngân hàng cần lựa chọn kỹ phân khúc thị trường khi cho vay lĩnh vực này.
Hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước đang chỉ đạo đẩy mạnh xử lý nợ xấu BĐS và quản lý chặt dư nợ BĐS. Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM Nguyễn Hoàng Minh khẳng định, từ nay tới cuối tháng 9/2015, các ngân hàng thương mại ở Tp.HCM phải hoàn thành xử lý tất cả nợ xấu trong lĩnh vực BĐS. Nếu doanh nghiệp BĐS có nợ xấu thì ngân hàng không được phép cho vay bất kỳ khoản nào, thậm chí cả khi đưa ra phương án đầu tư kinh doanh tốt và hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, theo khẳng định của bà Hồng, dù tín dụng BĐS tăng không có sự đột biến nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ không chủ quan với diễn biến này và vẫn thực hiện kiểm soát chặt chẽ.
Ngay Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đưa ra cảnh báo, dù dòng tiền của xã hội và của ngân hàng vào BĐS tăng là tín hiệu tốt nhưng cũng phải cảnh giác với tình trạng bong bóng BĐS.
Đó cũng chính là lý do Chính phủ yêu cầu cần phải kiểm soát chặt và thận trọng hơn nữa đối với tín dụng BĐS.
(Theo Đầu tư chứng khoán)