Thị trường BĐS diễn biến khả quan giúp cho tình hình bán hàng của các doanh nghiệp niêm yết vượt mong đợi. Đây là yếu tố mang lại lợi nhuận các quý tiếp theo cho doanh nghiệp và tạo cơ hội cho cổ phiếu BĐS nổi sóng.
Bán tốt
Quý I, Tập đoàn Vingroup (VIC) công bố lợi nhuận đạt 1.070 tỷ đồng, trong đó nguồn doanh thu chuyển nhượng bất động sản là 4.871 tỷ đồng, tăng gấp hơn 11 lần so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu phát sinh từ việc bàn giao các căn hộ tại hai dự án Times City và Royal City.
Khi thị trường nóng trở lại, VIC thuận lợi là có sẵn nguồn hàng để bán. Cụ thể, Dự án Times City có tổng cộng 23 tòa chung cư, VIC đã xây xong 12 tòa, trong đó 9 tòa đã hoàn thiện, 3 tòa đã xây xong phần thô và đang hoàn thiện. Trong số 11 tòa còn lại thì có 7 tòa đã làm xong phần móng (đủ điều kiện để bán hàng), 4 tòa chưa xây dựng. Trong năm 2014, VIC sẽ đẩy mạnh bán hàng tồn và các tòa nhà đã xong móng.
Ngoài Times City, dự kiến vào tháng 6 tới, VIC sẽ mở bán căn hộ 56 Nguyễn Chí Thanh. Đây là dự án có vị trí đắc địa, giá bán được thị trường dự báo có thể tới gần 40 triệu đồng/m2. Trước đây, VIC đã chuyển nhượng dự án cho đối tác khác nhưng sau đó đã mua lại để thực hiện đầu tư xây dựng. Một dự án khác tại Hà Nội là Vinhomes Riverside, VIC đã hoàn thành việc bán toàn bộ biệt thự cho nhà đầu tư thứ cấp.
Tới đây, Tập đoàn này có khả năng đưa ra thị trường sản phẩm Dự án Dream City tại Hưng Yên. Với vị trí chỉ cách dự án Ecopark khoảng 1,5 km nằm trên trục đường 5 mới, giao thông về trung tâm thành phố Hà Nội thuận tiện, nhắm đến đối tượng chủ yếu là giới công chức, cán bộ văn phòng, sản phẩm nhà thấp tầng của VIC được dự báo không quá khó trong việc tiêu thụ.
Ảnh minh họa
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2013, dự án Royal City và Times City đã tiêu thụ được 5.478 căn. Như vậy, nếu thị trường BĐS diễn biến thuận lợi như từ đầu năm đến nay, kế hoạch năm 2014 với doanh thu 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng của VIC hoàn toàn trong tầm tay.
Không chuyên về BĐS như VIC, song việc bán hàng ở dự án Madarin Garden của Tập đoàn Hòa Phát thuận lợi cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận quý I năm nay với con số 910 tỷ đồng. Thời điểm đáy vào cuối năm 2012, Hòa Phát phải hạ giá bán căn hộ tại đây xuống 26 triệu đồng/m2, trong khi nửa cuối năm ngoái, căn hộ đã hết hàng, chỉ trừ một số căn có diện tích lớn, giá bán tăng lên và đạt 31-33 triệu đồng/m2.
Trong tuần qua, CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) đã thông báo mở bán căn hộ N04B1. Theo nguồn tin từ công ty, 100% căn hộ đã được đăng ký mua và đặt cọc. Theo quy định của DN, khách hàng phải đặt cọc 100 triệu đồng bởi vậy khó có khả năng khách hàng bỏ cọc khi đến hạn ký hợp đồng. Ban đầu Công ty dự kiến đưa ra mức giá 30 - 31,5 triệu đồng/m2, sau đó dự án quá hút hàng, giá bán đã được điều chỉnh thống nhất là 31,5 triệu đồng/m2, khách hàng nộp luôn 60% giá trị khi ký hợp đồng.
Hiện Lideco còn quỹ đất sạch khá lớn, đủ điều kiện để doanh nghiệp sớm đưa hàng ra thị trường như 2 tòa chung cư 35 tầng tại Khu đô thị Dịch Vọng, 1 tòa 35 tầng tại 22 Hồ Tùng Mậu, Khu đô thị Bắc 32, các tòa chung cư nhà thu nhập thấp tại Cầu Diễn...
CTCP Tập đoàn Hà Đô cũng đang thực hiện các thủ tục triển khai việc bán hàng chung cư 11 tầng; chuẩn bị nguồn lực để triển khai chung cư 35 tầng tại Khu đô thị mới Dịch Vọng để nếu kịp sẽ đưa sản phẩm ra thị trường vào cuối năm nay.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng nhận định, tình hình giao dịch tại thị trường TP. HCM có chuyển biến tốt. Lượng giao dịch quý III + quý IV/2013 gấp hơn 4 lần lượng giao dịch quý I + quý II. Như vậy, những doanh nghiệp sẵn quỹ đất sạch như SCR, HQC, TDH, DXG sẽ có lợi thế.
Cổ phiếu BĐS mới khởi động
Có thể chia cổ phiếu BĐS thành nhiều nhóm trên thị trường. Bluechip như VIC, HPG vẫn duy trì được phong độ bất chấp thị trường giảm sâu do những tác động tiêu cực từ căng thẳng biển Đông. Cụ thể, VIC sau khi giảm về 62.000 đồng đã bật lên 67.000 đồng.
Với các nhà đầu tư cá nhân, họ quan tâm nhiều đến nhóm cổ phiếu giá thấp như FLC, PTL, KBC, HQC, ITA. .. trong đó, “nóng” nhất vẫn là FLC. Đều đặn tung thông tin về triển khai dự án mới ra thị trường, mới đây, FLC tiếp tục gây sốc khi công bố kế hoạch tăng vốn lên 3.700 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Cổ phiếu này thu hút sự chú ý của nhà đầu tư khi giảm mạnh từ vùng 14.000 - 15.000 đồng/CP về 7.500 đồng/CP, sau đó tăng trần liên tục và hiện đạt 10.100 đồng/CP.
Tuy nhiên, ngoại trừ FLC, nhiều cổ phiếu BĐS khác mới tăng nhẹ dù trước đó đã điều chỉnh giảm khá sâu trong bối cảnh thị trường giảm điểm. Theo quy định, doanh nghiệp được ghi nhận doanh thu bán bất động sản khi doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. Hiện người mua nhà chủ yếu có mục đích để ở, bởi vậy ngoài khoản tiền doanh nghiệp thu được ngay sau khi ký hợp đồng bán hàng, khả năng thu tiền theo tiến độ chắn chắn hơn trước kia rất nhiều. Lợi nhuận từ dự án do đó trong kế hoạch tính toán của doanh nghiệp, bởi vậy, việc nhiều doanh nghiệp BĐS đặt kế hoạch kinh doanh khả quan năm 2014 là có cơ sở. Với diễn biến tích cực như vậy, khả năng cổ phiếu BĐS có sóng khi thị trường hồi phục trở lại không phải quá xa vời.
(Theo ĐTBĐS)