Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Đâu là "lối ra" chung cho DN và nhà đầu tư bất động sản?

Cập nhật: 26/08/2013 12:01

Cổ phiếu bất động sản đang có sự phân hóa khá mạnh đến từng DN và những quyết định đầu tư khôn ngoan cho các mã cổ phiếu có phần… may mắn, sẽ vẫn giúp nhà đầu tư tìm được cơ hội sinh lời.

Nếu như năm 2011, Vạn Phát Hưng (Cty CP Vạn Phát Hưng, mã chứng khoán VPH) gặp hạn vì thị trường thê thảm thì kết thúc năm 2012, Cty đã làm ăn có lãi tốt hơn và bắt đầu lên các mục tiêu kinh doanh mạnh dạn. Tương tự, được cho là DN đang ở trong top đầu về nạn ôm hàng tồn kho địa ốc, Cty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR – Sacomreal) bước sang năm 2013, vừa được nhiều nhà đánh giá lại nhờ… thoát lỗ.

“Tăng dân số cũng đồng nghĩa với tăng các nhu cầu về các loại hàng hoá trên thị trường, để đáp ứng nhu cầu các ngành sản xuất phải mở rộng, phát triển về quy mô từ đó làm tăng nhu cầu về sử dụng đất”. Nhưng liệu đó có đồng nghĩa với việc nguồn cung BĐS đang lệch ở nhiều phân khúc và tập trung tại các khu vực đô thị lớn như hiện nay, sẽ sớm được giải tỏa theo chiều tăng dân số này?

Hiện tượng này cho thấy, cổ phiếu bất động sản đang có sự phân hóa khá mạnh đến từng DN và những quyết định đầu tư khôn ngoan cho các mã cổ phiếu có phần… may mắn, sẽ vẫn giúp nhà đầu tư tìm được cơ hội sinh lời.

Bán dự án

Năm 2011, Vạn Phát Hưng là một trong những cái tên khiến nhiều nhà đầu tư phải “kính nhi viễn chi”. Hệ số nợ của Cty quá cao, gấp nhiều lần so với các DN cùng ngành và Vạn Phát Hưng rơi vào thế cùng vì mất tự chủ dòng tiền, lãi lẫn gốc vay do sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh để phát triển khiến Cty này phải cầu viện ngân hàng, xin cơ cấu nợ ngắn thành trung và dài hạn. Được ngân hàng chấp thuận tái tài trợ khoản vay 250 tỉ đồng ở khung thời gian đáo hạn khác đã đưa Cty này ra khỏi giả định không thể hoạt động liên tục và sau đó, được HoSE đưa ra khỏi danh sách cổ phiếu vào diện cảnh báo.

Nhưng khó khăn với Vạn Phát Hưng khi bước sang năm 2012 và cả năm 2013, chưa hẳn đã chấm dứt. Có lẽ vì vậy mà nỗ lực bán dự án trở thành một trong những mục tiêu của Vạn Phát Hưng trong 2 năm liên tiếp, song song với hoạt động thoái vốn ở nhiều đơn vị đã “lỡ” đầu tư khác.

Năm nay, nối tiếp những gì chưa làm được của năm cũ, mục tiêu của VPH đã có phần cụ thể hơn. Điều “cụ thể” khiến các cổ đông hân hoan nhất có lẽ quyết định chia cổ tức 9% bằng cổ phiếu. Vì điều đó, trái ngược với tình cảnh trước đây, phần nào đã giúp các nhà đầu tư địa ốc lỡ trớn chưa thoát hàng thoát ra khỏi nỗi ám ảnh cổ phiếu vừa mất giá mạnh, vừa chẳng được “xơ múi” gì từ lợi tức sau cùng là cổ tức được chia. Anh Nguyễn Thành Đức, một cổ đông của VPH cho biết với anh, 9% cổ tức bằng cổ phiếu trên hàng chục ngàn cổ phần đã đầu tư thực tế không nhiều nhặn, thậm chí nếu không nói là chưa chắc đã đủ bù cho mức độ pha loãng, lại càng chưa tính chi phí trượt giá đồng vốn đầu tư. Nhưng ít ra, nó cũng khiến anh không… tức đầy cổ vì đã lỡ trót đầu tư vào một DN BĐS vốn được nhiều CTCK khuyến nghị là đầy triển vọng như trong thời gian trước.

Điều đáng nói hơn nữa là trong kế hoạch của năm nay, VPH đã hé mở thông tin rất cụ thể về việc chuyển nhượng 20ha đất ở Nhơn Đức cho Trường ĐH Tài chính – Marketing, chứ không còn nằm ở “đặt mục tiêu”. Theo đại diện của VPH, thương vụ này hiện cầm chắc hoàn tất tới 80% và mức giá xét trên tổng đầu tư có thể cho lãi. Dù đây không được xem là chìa khóa giúp Cty có thể hoàn thành kế hoạch mà ĐHCĐ đã thông qua nhưng lại có thêm ý nghĩa… gia tăng là sự “động viên tinh thần”, khiến các nhà đầu tư cổ phiếu bất động sản có cơ sở để tin hơn vào lòng “trung thành” của mình với danh mục. Đây, kỳ thực có thể là lối ra chung mà các DN BĐS đang dọ đường để bù đắp cái khó của việc thiếu thanh khoản đối với sản phẩm đơn lẻ, thường được ghi nhận doanh thu nhỏ giọt bằng từng căn hộ bán ra?

Thoái vốn đầu tư, cải thiện dòng tiền

Tất nhiên, thị trường không chỉ mình Vạn Phát Hưng là tính nước cờ bán dự án “trọn gói”. Trước đó, đã có rất nhiều DN chọn phương án chuyển nhượng mà hầu hết giá bán ít khi được công bố cụ thể, cho đến khi có báo cáo tài chính. Đi đầu trong làn sóng này phải kể đến Hoàng Anh Gia Lai, với các hợp đồng “mua sỉ” từ năm 2009 …

Bước năm 2013, bên cạnh các mục tiêu bán sỉ dự án, các DN BĐS cũng bận rộn hơn với dự định thoái vốn ở một số khoản đầu tư khác, ở dạng cổ phần góp vốn đầu tư tài chính, ngoài ngành, hay ở chính các dự án BĐS của những DN bạn…. Động thái này được đánh giá là nỗ lực nhằm cải thiện dòng tiền của các DN trong tương lai, giúp họ đứng vững qua khó khăn, kể cả khi nếu các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS mà Chính phủ đưa ra gần đây có độ trễ dài mới phát huy tác dụng.

Áp lực bán tháo sản phẩm trọn gói sẽ còn tiếp tục tạo nhiều cơ hội cho hoạt động M&A “làm mưa gió” trên thị trường trong năm nay.
Hiện tại, một loạt các DN BĐS đang nỗ lực bán dự án và thoái vốn, có tên những DN top đầu. Thủ Đức House (TDH) vừa cho biết sẽ ưu tiên thoái vốn 2 khoản đầu tư lớn  là  ở  NHTM Phương Đông và Cty CP tài chính dệt may VN với giá trị  sổ  sách lần lượt là 31,87 tỉ  đồng và 41,4 tỉ  đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của CTCK SSI, dựa vào tính thanh khoản hiện tại của 2 cổ phiếu này và tình hình thị trường tài chính ảm đạm như hiện nay thì dự kiến lãi từ việc bán cổ phiếu sẽ không cao. Ngoài ra, TDH và Cty con –  Chợ  đầu mối nông sản Thủ  Đức (TDH nắm giữ  100% cổ  phần) cũng dự  định thoái 90% vốn  tại  Cty TNHH Dịch vụ  Tam Bình –  Thủ  Đức để  tái cấu trúc hệ  thống Cty con và để  tăng dòng tiền cho Cty mẹ. Sau khi thoái vốn, TDH còn sở hữu 6 Cty con và 11 Cty liên kết.

Còn tại Bình Chánh BCI, năm 2012, nếu thương vụ chuyển nhượng cổ phần của Cty CP khu công nghiệp Phong Phú đạt 362.40 tỉ đồng, đã giúp cho lợi nhuận thuần của BCI đạt 236.12 tỉ đồng, tăng 178% so với năm 2011 thì sau Tết Quý Tỵ, Cty lại “mở hàng" cho hoạt động M&A thông qua việc bán dự án căn hộ chung cư Nhất Lan (Q. Bình Tân) cho Cty bất động sản Danh Khôi Á Châu. Những khoản doanh thu phát sinh này đang được cho là gần như bù đắp 100% các khoản trống doanh thu từ bán sản phẩm chủ lực trước đây của DN.

Tại thời điểm này Bình Chánh chưa thông qua kế hoạch đại hội cổ đông 2013 nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành dự đoán, rất có thể Bình Chánh sẽ vẫn đẩy mạnh hoạt động chuyển nhượng dự án hoặc thoái vốn trong danh mục tiếp tục trong năm nay. Vì BCI đang “thừa đất” với năng lực sở hữu quỹ đất hàng trăm ha ở các quận phía Tây Tp.HCM và đây lại là địa điểm khá phù hợp với mục tiêu của nhiều tổ chức muốn tận dụng cơ hội tiếp cận phân khúc gần với nhu cầu người dân, có mức giá dễ dàng thương thảo, cũng như có thể tận dụng “điểm rơi” của các chính sách hỗ trợ thị trường từ Chính phủ tới các dự án tương lại. Bộ phận Phân tích CTCK Phương Nam (PNS) đánh giá lạc quan về Bình Chánh, cho rằng BCI đang có tỉ số tài chính lành mạnh nhất trong top 10 DN BĐS, hẳn một phần nhờ căn cứ trên nỗ lực cải thiện dòng tiền qua thoái vốn đầu tư như đã nêu.

Cũng theo PNS,  trong  Top  10 DN đầu ngành BĐS, hiện chỉ có 5 doanh nghiệp HAG, BCI, IJC, OGC, TDH đảm bảo được khả năng thanh toán nhanh các khoản nợ ngắn hạn. Điều đó cho thấy lượng hàng tồn kho của các DN BĐS khá lớn, đầu ra cho sản phẩm vẫn còn khá nhiều khó khăn. Và do đó, áp lực bán tháo sản phẩm trọn gói sẽ còn tiếp tục tạo nhiều cơ hội cho hoạt động M&A “làm mưa gió” trên thị trường trong năm nay.

Tuy nhiên, cơ hội từ M&A, bán dự án, thoái đầu tư, có chia đều tỉ suất cho cơ hội sinh lời đối với các nhà đầu tư tăng trưởng, muốn tìm lợi nhuận qua danh mục cổ phiếu BĐS?  Nhiều nhà đầu tư cho rằng điều đó còn phụ thuộc cả vào… may mắn (của DN và của họ). Vì nói đi vẫn phải nói lại: Không phải ai cũng thoái vốn đầu tư hay bán dự án sỉ với mục tiêu cải thiện dòng tiền trước mặt, mà đều như VPH, đảm bảo xoay ngược thế cờ và cầm chắc lãi!

Một số DN BĐS với các nỗ lực cơ cấu sản phẩm, đẩy mạnh bán hàng nhằm tăng lợi nhuận trong năm 2013:

- VC2 chuyển đổi nhà thương mại tại dự án Golden Silk: Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Vinaconex 2 Đỗ Trọng Quỳnh cho biết Cty đã có đề nghị được chuyển đổi một tòa chung cư cao tầng thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (Golden Silk) tại quận Hoàng Mai sang loại hình nhà ở xã hội. Đây là 1 trong 7 dự án của Hà Nội, 9 dự án của Tp.HCM và 1 của Bình Dương, 1 của Đồng Nai đã có kế hoạch xin chuyển đổi dự án tính đến tháng 2/2013.

- Cty CP XD & KD Địa ốc Hòa Bình - HBC dự kiến phát hành 15 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với mức giá chào bán khoảng 20,638 - 25,000 đồng/cp, cao hơn thị giá hiện tại. Dự kiến thì tổng lượng vốn huy động được là 309.6 tỉ đồng, toàn bộ sẽ được bổ sung vào vốn lưu động cho hoạt động xây dựng. Đối tác chiến lược tương lai có thể sẽ Tập đoàn Nikko Securities của Nhật Bản.

- Cty CP Gemadept - GMD vừa hoàn tất việc ký kết chuyển nhượng Cao ốc Trung tâm thương mại hàng hải Gemadept tại số 6 Lê Thánh Tôn, P Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh - Gemadept Tower. Giá trị chuyển nhượng khoảng 45 triệu USD, khoảng 900 tỉ đồng và sẽ bắt đầu ghi nhận thương vụ này vào quý II/2013. Đây là cơ sở để nhiều nhà đầu tư “chậm chân” với GMD sẽ phải tiếc rẻ vì khả năng “uống nước đục” khá cao sau khi thông tin này vừa tiết lộ, cổ phiếu GMD đã tăng vọt.

- Một loạt các dự án mở bán đầu năm 2013 với mức giá đã giảm nhiều so với dự kiến tại Hà Nội: Mỹ Đình Plaza với giá 21,5 triệu đồng/m2 (chưa VAT), Chung cư 34 Cầu Diễn Vinconex7 giá từ 15,2 triệu đồng/m2 (chưa VAT), chung cư N04 Trần Duy Hưng giá từ 26,4 triệu đồng/m2 (chưa VAT), chung cư Đại Thanh mở bán 200 căn penthouse giá 10 triệu đồng/m2...

(Theo DĐDN)
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM