Theo chuyên gia BĐS Đoàn Thiên Việt, cận Tết là thời điểm vàng để mua BĐS đầu tư. Nhiều NĐT vẫn miệt mài tìm mua thời điểm cận Tết. Nếu mua được BĐS rẻ hơn 20% thì qua Tết âm lịch có thể chốt lời được 25%, đó là khoản lời rất quan trọng đối với việc đầu tư ngắn hạn.
Vị chuyên gia này có 3 lý do để mua BĐS vào dịp cận Tết. Thứ nhất, giá rẻ hơn. Theo ông Việt, khá nhiều BĐS được chủ bán ra dịp này nhằm mục đích gom tiền làm một việc khác cần thiết hơn. Ví dụ như nhập hàng bán Tết, cần tiền mặt xài Tết cho thư thả, hay trả nợ cuối năm..
Thực tế, những chủ BĐS này không chỉ rao bán thời điểm cận Tết mà trong cả năm họ đã hạ giá BĐS để bán ra thu dòng tiền gấp. Càng cận Tết, họ càng muốn bán BĐS khi có người trả giá mua, vì nếu từ chối thì khả năng ôm thêm ít nhất 1 tháng nữa qua Tết cũng chưa chắc bán được, mà việc thì đang cần tiền gấp. Cũng vì lý do này, nhiều chủ BĐS đã chấp nhận rao hạ giá bớt đi so với giá kì vọng, chấp nhận thương lượng rẻ hơn. "Ở đây là vừa bị bẫy tâm lý, vừa bị sức ép tiền mặt, vừa buông tay cho nhẹ cái đầu...đây lại chính là cơ hội cho người mua được giá mềm", ông Việt chia sẻ.
Thứ hai, nhiều lựa chọn. Vị chuyên gia này cho rằng, khi đi mua BĐS, NĐT thường thích hoặc rất thích BĐS nào đó, có hành động trả giá rẻ rồi nhưng sợ người khác mua mất với giá cao hơn hoặc mua nhanh hơn.
Ảnh minh họa
Tâm lý sợ không bán được ở người bán thì ngược lại tâm lý sợ không mua được ở người mua. Đặc biệt, NĐT thường có tâm lý là giá đã hợp lý rồi nhưng vẫn muốn mua rẻ hơn một chút. Vào những ngày cận Tết, không nhiều người đi mua mà lại có nhiều BĐS, thậm chí có những BĐS bán tháo, hạ giá, thì đây rõ ràng là cơ hội để người mua có nhiều sự lựa chọn, có thời gian lựa chọn và có quyền làm giá hơn.
"Tôi không quá sợ mất cơ hội mua BĐS giá hời bởi vì tôi đang có nhiều lựa chọn tương tự trong khi tiền có giới hạn. Và khi gặp đúng người bán cũng đang gấp thì tôi tha hồ mua được giá tốt hơn hẳn. Năm 2019 tôi từng mua được 1 BĐS hơn 20% so với giá rẻ của khu đó", NĐT này cho biết.
Thứ ba, thời gian công chứng dài. Thông thường khi mua bán thì 2 bên sẽ công chứng ngay trong 1 tuần, 10 ngày là xong thủ tục.
Khi mua BĐS những ngày cận Tết, khi càng gần Tết thì chắc chắn phải ra Tết mới công chứng. Một số chủ BĐS cần tiền nhiều thì muốn công chứng ngay cũng phải giảm giá thêm, một số chủ khác thì chỉ cần chốt vấn đề giá và nhận cọc coi như đã bán để truất nỗi ưu tư, thu được 1 số tiền cọc vừa đủ xoay sở giải quyết công việc. Vì thế, chỉ cần đặt cọc là NĐT đã xem như có được BĐS đó, tất nhiên thủ tục cọc phải chắc chắn cũng như số tiền cọc đảm bảo cho việc tiếp tục giao dịch.
Theo vị chuyên gia này, trong mua bán, món hời không chỉ đến từ việc giá rẻ, mà nó còn đến từ việc thanh toán dài hạn. Thử nghĩ xem, nếu ta cọc và hẹn tầm 1-2-3 tháng sau đi công chứng, có phải ta đã được hưởng thêm món lời từ việc tăng giá của BĐS đó trong ngần ấy thời gian chỉ với số tiền đặt cọc hay không? Như vậy thì tỷ suất sinh lời rõ ràng đã có nhiều hơn hẳn việc mua bán công chứng và thanh toán trong tuần rồi.
Ảnh minh họa
Thực tế, có những NĐT thương thảo được với người mua tận 3 -4 tháng, thậm chí một năm mới đi công chứng. Việc này phụ thuộc vào thương thảo phù hợp giữa 2 bên. Dĩ nhiên, NĐT thường thích việc thanh toán dài hạn, miễn giá BĐS mua vẫn tốt như mong đợi. "Tôi vẫn đang miệt mài tìm BĐS "thơm" để mua trước Tết. Mua được BĐS rẻ hơn 20% thì qua đầu năm tôi bán xem như lời được 25%, đó là khoản lời rất quan trọng đối với việc đầu tư ngắn hạn", ông Việt nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Đoàn Thiên Việt mua BĐS cận Tết cũng là đang giúp các bạn môi giới BĐS đón cái Tết "bánh chưng có thịt". Thực tế, rất nhiều bạn môi giới gần như đã buông xuôi từ đầu tháng Chạp, một số khác đang mất năng lượng trên chặng đua 20 ngày hay 45 ngày chưa bán được sản phẩm. Vì thế, việc tạo ra giao dịch mua bán thời điểm này có lợi cho nhiều bên, kích thích thị trường BĐS.
Theo CafeF.vn