Sau khi những tranh cãi về hiệu quả của gói 30.000 tỷ còn chưa lắng xuống, người dân lại "phát sốt" trước thông tin về gói hỗ trợ mới trị giá 50.000 tỷ. Có hay không việc những siêu đại gia đã vận động cho gói này để tiêu thụ lượng hàng tồn kho cao cấp của họ?
"Nhà giàu" sao phải hỗ trợ?
Mới đây, trong một hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã công bố về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ 50.000 tỷ đồng cho phân khúc nhà ở thương mại với lãi suất cho vay 7% trong 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người vay tính toán được thời gian trả nợ.
Giải thích nguyên nhân đề xuất gói hỗ trợ này, Bộ Xây dựng cho biết, gói 50.000 tỷ đồng kỳ vọng sẽ đi vào thị trường bất động sản (BĐS) ở phân khúc trung cấp và cao cấp giúp thị trường “ấm” đều.
Tuy nhiên, việc đầu tư một gói hỗ trợ giá trị lớn dành cho những người không thuộc diện thu nhập thấp đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp bất động sản.
Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hiện tại thị trường đang thiếu những dự án nhà ở giá phổ cập, tầm 12 triệu đồng/m2 trở xuống dành cho những người thu nhập thấp. Nếu gói 50.000 tỷ tiếp tục dành cho phân khúc này thì sẽ thúc đẩy thị trường BĐS lên rất nhanh. Còn nếu gói hỗ trợ này dành cho những người có nhu cầu mua nhà trung hoặc cao cấp thì rất vô lý. Vì theo ông Liêm, những người thuộc tầng lớp này chắc gì đã có nhu cầu mua nhà để ở, mà có khi để kinh doanh, cho thuê. Như vậy vô hình trung gói hỗ trợ lại làm giàu thêm cho các đối tượng này mà không giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người dân.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM còn thẳng thắn cho rằng, gói tín dụng 50.000 tỷ là dành cho "người giàu". "Nói gói 50.000 tỷ dành cho phân khúc BĐS trung cấp còn có thể tạm nghe được, nhưng nếu dành cho phân khúc BĐS cao cấp thì tôi hoàn toàn phản đối".
Theo ông Đực, đã là "hỗ trợ" thì phải dành cho đối tượng không có hoặc có ít khả năng mua được nhà. Không ai đi hỗ trợ, ưu đãi cho những người mua biệt thự, penhouse, căn hộ 3.000-4.000 USD/m2. "Đã giàu lại còn được hưởng phúc lợi nữa thì không riêng gì tôi mà nhiều người phản đối".
Ở tầm nhìn xa hơn, ông Đực còn lo ngại nếu đặt điều kiện không kỹ, gói 50.000 tỷ có thể bị lợi dụng để mua nhà đầu cơ, cho thuê...Như vậy, người thu nhập thấp không được hưởng lợi gì từ gói 50.000 tỷ, mà gói này chỉ làm lợi cho những người "có thu nhập".
Thậm chí, ông Nguyễn Văn Đực còn đặt ra vấn đề lobby cho gói tín dụng này: "Người dân có quyền nghi ngờ rằng những siêu đại gia đã vận động cho gói này để tiêu thụ lượng hàng tồn kho cao cấp của họ và họ lại cố tình không chịu giảm giá, hoặc không chịu giảm diện tích..."
Sau khi đưa ra những phân tích trên, ông Đực đề xuất, gói 50.000 tỷ chỉ nên coi là sự tiếp nối gói 30.000 tỷ và nới rộng cho những căn hộ trung cấp có giá từ 1,050 tỷ đến 1,5-1,6 tỷ chứ không thể hỗ trợ cho những người có 2-3 tỷ trở lên.
Trước đề xuất này, ông Phạm Sỹ Liêm tỏ ra nghi ngại, vì nếu cứ với cách đặt ra hết điều kiện này đến điều kiện khác mới được vay như đã làm đối với gói 30.000 tỷ thì chưa chắc gói 50.000 tỷ đã dễ vay dù mức lãi suất 7% dự kiến khá phải chăng. "Hỗ trợ là cần thiết nhưng hỗ trợ để thúc đẩy thị trường chứ không phải cứ nói rồi đưa ra hết điều kiện này nọ thì không ổn", ông Liêm nói.
Nhìn lại gói 30.000 tỷ: Ai hưởng lợi?
Về gói hỗ trợ 30.000 tỷ, ông Nguyễn Văn Đực khẳng định, gói tín dụng này đã thất bại thảm hại khi tồn kho BĐS trong năm 2014 không giảm, thậm chí còn tăng và triển vọng 2015 không có gì sáng sủa. Người dân và doanh nghiệp Tp.HCM không được hưởng lợi nhiều từ gói hỗ trợ này, ông Đực cho biết thêm.
"Ngân hàng không hưởng lợi nhiều từ gói 30.000 tỷ. Người dân được trực tiếp vay, còn doanh nghiệp bán được hàng nên cũng được hưởng nhiều mối lợi gián tiếp từ gói này, ngoại trừ một số doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội được lợi trực tiếp".
Ngoài ra, Tp.HCM cũng thiệt thòi hơn Hà Nội vì theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, 50% gói này thuộc về Hà Nội do chính quyền Tp.HCM khi duyệt các dự án nhà ở xã hội đã hạn chế để doanh nghiệp chia nhỏ căn hộ. Hiện tại, Tp.HCM mới có 9 dự án được phép chia nhỏ căn hộ.
Hiện tại, Tp.HCM lại đang có chủ trương ngừng cho chia nhỏ căn hộ với lý do để điều tra, nghiên cứu lại những dự án được duyệt đã thi công thế nào, có làm nghẽn mạch hạ tầng xã hội hay không. Thời gian ngưng sẽ mất khoảng 5-6 tháng và trong khoảng thời gian này không có bất kỳ dự án nào chia nhỏ căn hộ.
Như vậy, theo ông Đực, điều đó càng làm nghẽn mạch những căn hộ vừa với gói 30.000 tỷ. Người dân chỉ có tiền mua căn hộ 40-50m2 nhưng giờ đây với cách làm này, họ lại phải tiếp tục ở nhà thuê với diện tích chỉ chừng 10-20m2".
Nhìn nhận về khả năng cứu thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực cho rằng đây và việc rất khó khăn. Theo đó, với nhóm những sản phẩm có thể tiêu thụ được, tức có hạ tầng, điều kiện giao thông, mặt bằng tốt, diện tích phù hợp... thì các doanh nghiệp đã tự cứu nhau bằng cách vay thêm tiền, mua đi bán lại những dự án này. Nếu có sự hỗ trợ của hai gói tín dụng thì những dự án này có thể cứu được. Còn lại, những dự án chìm ngập trong khó khăn, tức vị trí quá xấu, diện tích quá rộng, giá quá cao thì buộc lòng phải cho 'chết'.
Trong khi đó, ông Phạm Sỹ Liêm lưu ý rằng, quan trọng nhất trong công cuộc giải cứu thị trường bất động sản là đổi mới tư duy. "Trong nền kinh tế thị trường, chính sách cũng rất cần để giúp đỡ một số người đang còn thiệt thòi nhưng phải thông qua thị trường để cung ứng cho họ chứ không phải làm thay thị trường. Nếu làm thay thị trường lại rơi vào thời bao cấp: nhà ở chất lượng không cao, quản lý sau này cũng không biết thế nào", ông nói.
(Theo Đất Việt)