Hiện nay, số lượng các cơ hội giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) rất hạn chế trong khi mối quan tâm tới bất động sản (BĐS) Việt Nam rất lớn. Nhu cầu giao dịch tiếp tục vượt xa nguồn cung, nhất là với các BĐS đang hoạt động.
Đó là nhận định của Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam Marc Townsend đưa ra tại hội thảo “Cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng thông qua hình thức M&A” do Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại Đà Nẵng phối hợp cùng CLB doanh nhân FDI Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Theo ông Marc Townsend, giai đoạn từ 2011 đến đầu năm 2014 đã có 54 giao dịch M&A với giá trị 1,5 tỷ USD. Trong đó, 362 triệu USD thuộc về các giao dịch tại Hà Nội, 1 tỷ USD tại Tp.HCM.
Cụ thể, Tp.HCM là thị trường dẫn đầu cả nước về giá trị giao dịch (67%) và số lượng giao dịch (55%), ghi nhận giao dịch trung bình khoảng 36 triệu USD. Trong đó, BĐS khách sạn và văn phòng chiếm 65% tổng giá trị giao dịch và 55% số lượng giao dịch.
Hiện nay, nhu cầu M&A tiếp tục vượt xa nguồn cung (ảnh minh họa)
Hiện các nhà đầu tư trong nước đang chiếm lĩnh cả hai hoạt động mua và bán. Số giao dịch có sự tham gia của các công ty môi giới quốc tế chỉ có 4/54. Các nhà đầu tư Singapore và Hàn Quốc là năng động nhất trong số các nhà đầu tư ngoại.
Ông Marc Townsend cho biết, hiện có nhiều mối quan tâm lớn và khác nhau tới Việt Nam nhưng số lượng các cơ hội giao dịch đang rất hạn chế. Nhu cầu giao dịch vẫn tiếp tục vượt xa nguồn cung, nhất là với các BĐS đang hoạt động ở quận 1 (Tp.HCM). 4 câu hỏi lớn vẫn tồn tại đối với hầu hết các giao dịch hấp dẫn đó là: định giá, minh bạch, cơ cấu công ty và theo dõi lịch sử. Đối với những câu hỏi này, nếu không có một các tiếp cận trung thực và thực tế thì các nhà đầu tư sẽ đi tìm ở chỗ khác.
Theo Phó tổng giám đốc Pricewaterhouse Coopers Việt Nam Johnathan Ooi, năm 2010-2012, hoạt động M&A diễn ra sôi nổi do thị trường chứng khoản ảm đạm và lãi suất vay cao và. Sau 2012, khi nguồn vốn dồi dào hơn và thị trường chứng khoán phục hồi trở lại, trong việc tìm nguồn vốn, M&A không còn là lựa chọn số một của một số công ty. Bên cạnh đó, một trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài khi cân nhắc đầu tư vào Việt Nam nữa là hệ thống luật pháp phức tạp và cơ sở hạ tầng yếu kém.
Nhưng nền kinh tế hiện đang dần phục hồi với lạm phát luôn được giữ ở mức ổn định và GDP tăng trưởng đều. Dự đoán, nỗ lực của Nhà nước trong việc tư nhân hóa các công ty Nhà nước và cải thiện hệ thống ngân hàng sẽ tạo cơ hội cho các hoạt động M&A. Nhờ sự ổn định về kinh tế và chính trị đạt được trong vài năm qua, đối với việc đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư trở nên cởi mở hơn.
Ông Johnathan Ooi cũng cho hay, do thiếu hiểu biết về doanh nghiệp và kế hoạch, các nhà đầu tư thất bại trong việc thu được giá trị từ giao dịch. Như một cơ sở để ra quyết định đầu tư, giai đoạn thẩm định được đề cao. Vì thế, các nhà đâu tư nên chuẩn bị sẵn dữ liệu đầy đủ và thích hợp để đảm bảo giai đoạn thẩm định có thể hoàn thành kịp thời.
(Theo Dân trí)