Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Cần "mở khóa" nhiều "cửa" để giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ

Cập nhật: 03/12/2014 11:25

Để đẩy mạnh việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, có rất nhiều điều kiện cần phải sớm khai thông, đơn cử như quy định mua nhà qua chủ đầu tư thứ cấp không được vay hay dự án xin chia nhỏ căn hộ không được duyệt,...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về các biện pháp đẩy nhanh giải ngân gói 30.000 tỷ.

Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết ngày 15/10, các ngân hàng tham gia chương trình mới giải ngân gần 7.950 tỷ đồng, dư nợ 3.576 tỷ, tức là mới được gần 12% gói hỗ trợ 30.000 tỷ.

- Với vai trò là người đại diện giới kinh doanh BĐS Tp.HCM, ông thấy những tháo gỡ của Chính phủ trong thời gian qua đối với gói 30.000 tỷ đã hiệu quả chưa?

Gói 30.000 tỷ đồng là gói tín dụng đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức ưu đãi cho vay mua nhà ở đối với người thu nhập thấp. Để thực hiện giải ngân gói này cần cả một quá trình trong đó Chính phủ và các bộ ngành phải từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý nên việc triển khai còn chậm.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng cần "mở khóa" để giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ

Có rất nhiều vấn đề chưa được tiên lượng đã khiến gói 30.000 tỷ giải ngân chậm, đơn cử như vấn đề thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Phải đến tháng 4/2014, khi có Thông tư liên tịch số 01 giữa 4 bộ là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước, việc thế chấp này mới chính thức được phép triển khai.

Việc Thông tư 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội và cho phép chuyển đổi cơ cấu căn hộ vẫn còn một số vướng mắc. Trong khi sản phẩm phù hợp với mục tiêu giải ngân gói 30.000 tỷ là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa và nhỏ lại rất thiếu

Tính đến nay, trong số 8/11 dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà ở xã hội trên địa bàn Tp.HCM, cũng chỉ mới có 2 doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi này. Đây là một con số quá khiêm tốn, vì điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận vay vốn của gói 30.000 tỷ đồng là không dính nợ xấu. Đến nay, mới chỉ có dự án căn hộ của Công ty Hoàng Quân là giải ngân được khoảng 200 tỷ đồng, và một dự án căn hộ của Công ty CP Đầu tư Thủ Thiêm. Thêm một trường hợp khác là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 cũng đã tiếp cận gói tín dụng nhưng không đủ điều kiện.

Nếu gói 30.000 tỷ được tháo gỡ những vướng mắc, việc giải ngân được thực hiện nhanh hơn sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản sôi động trở lại và tạo nguồn lực cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân.

- Còn những vướng mắc gì cần tháo gỡ nữa để người dân có thể tiếp cận được gói 30.000 tỷ, thưa ông?

Hiện nay, khách hàng mua nhà ở xã hội muốn được ưu đãi vay vốn thì phải mua trực tiếp từ chủ đầu tư chính (chủ đầu tư cấp 1). Ví dụ, Công ty Nam Long là chủ đầu tư cấp 1, bán lại dự án cho một doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp này là chủ đầu tư cấp 2. Nếu khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ với chủ đầu tư cấp 2 thì sẽ không được vay gói 30.000 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa, nhà đầu tư cấp 2 phải chuyển thành nhà đầu tư cấp 1 thì hợp đồng bán nhà cho khách mới được áp dụng gói ưu đãi. Còn không thì khách hàng phải ký hợp đồng mua bán căn hộ với Công ty Nam Long thì mới được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.

Vừa qua, HoREA đã có văn bản kiến nghị lên Bộ Xây dựng về nội dung này vì điều quan trọng để giải ngân gói 30.000 tỷ không phải là chủ đầu tư nào mà là loại căn hộ nào. Bộ Xây dựng cũng mới trả lời Công ty Quốc Cường Gia Lai về vấn đề này nhưng mới chỉ gói gọn trong loại hình nhà ở xã hội.

- Việc giải ngân gói 30.000 tỷ sẽ kết thúc vào 1/6/2016, trong khi lượng nhà ở cung cấp cho gói này rất thiếu. Vậy làm thế nào để có thể xây nhanh các dự án nhà ở để đáp ứng nhu cầu thực của người thu nhập thấp?

Một vấn đề rất lớn hiện nay là chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc cho chia nhỏ căn hộ để căn hộ có giá bán 1,05 tỷ đồng.

Hiện nay cũng có nhiều dự án gặp khó khăn với việc chia nhỏ căn hộ khi muốn làm mà không được phép thực hiện vì mối lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như kiến trúc tổng thể của TP.

Thế nhưng, theo tôi thì chúng ta phải chấp nhận điều này trong giai đoạn chuyển đổi quá độ hiện nay. Chính phủ cho phép chia nhỏ căn hộ nếu không làm thay đổi tổng diện tích sàn. Quy mô dân số có thể sẽ bị tăng lên nhưng vẫn phải nằm trong khả năng chấp nhận được.

Đất nước chúng ta vẫn còn nghèo, thu nhập của người dân còn thấp nên chúng ta phải chấp nhận một giai đoạn phải sống trong căn hộ nhỏ, không rộng rãi và tiện ích chưa đầy đủ.

- Nếu làm như vậy có gây ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu đạt diện tích bình quân 25m2 sàn/người vào năm 2020 không, thưa ông?

Chúng ta phải chấp nhận điều này vì ngay như đất nước phát triển như Singapore khi phát triển đô thị cũng phải trải qua nhiều giai đoạn. Họ chấp nhận ở chật, không đủ tiện ích trong giai đoạn đầu. Sau 20 - 25 năm, Singapore đã cải tạo và xây dựng lại thì mới có được một đất nước quy hoạch và phát triển hiện đại như hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Infonet)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM