Một trong những nội dung được quan tâm trong Luật Đất đai sửa đổi là chủ trương cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, chính sách này được đánh giá sẽ giúp tạo thêm nguồn cầu mới, đặc biệt cho phân khúc bất động sản du lịch và nhà cao cấp.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Tổng giám đốc Công ty BeeGreen đánh giá quy định mới về việc cho phép người nước ngoài mua nhà được đánh giá là sẽ tác động tích cực đến BĐS du lịch đầu tiên. Loại hình second home thường được nhà đầu tư nước ngoài khá ưa chuộng, nên cơ hội để phát triển thị trường BĐS nghỉ dưỡng ở các thành phố du lịch của Việt Nam cũng rộng mở hơn.
Theo đánh giá của ông Sơn, Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Long Hải, Vũng Tàu... là những thị trường BĐS du lịch có tiềm năng phát triển nhất. Vị chuyên gia này đánh giá, ở các nền kinh tế đang gặp khó khăn như Nga, Trung Quốc, Hong Kong, Nhật, Singapore, các nhà đầu tư cá nhân đều có xu hướng đầu tư vào BĐS du lịch và trong thời gian tới, Việt Nam được nhận định là điểm đến thu hút nhất. Lí do là bởi giá BĐS tại Việt Nam trong thời điểm này khá cạnh tranh, cơ hội đầu tư cho thuê cũng rất lớn trong khi BĐS tại quốc gia của họ quá đắt đỏ.
Ông Sơn cũng dự báo chính sách này trước mắt sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đến từ châu Á và Đông Âu. Với chính sách cũ, người nước ngoài muốn mua BĐS ở Việt Nam sẽ mua theo dạng hợp đồng thuê hoặc nhờ người bản xứ đại diện đứng tên nên nhiều quyền lợi của họ chưa được đảm bảo. Nay, việc chính thức cho phép cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư nhiều hơn và tâm lý nhà đầu tư cũng được củng cố, yên tâm hơn khi gia nhập thị trường.
Các nét mới của Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã được Công ty Savills đánh giá cao. Trong đó, Savills nhắc đến nhân tố tích cực đầu tiên là cho phép người nước ngoài có quyền thuê và sở hữu tối đa tối đa 250 biệt thự/nhà liền kề hoặc 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Nhân tố thứ hai là cho phép cung cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu có thời hạn đăng ký là 50 năm.
Với chính sách cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà đồng thời mở rộng cơ hội đầu tư cho khối ngoại tham gia thị trường này, các chuyên gia dự báo thị trường BĐS Việt Nam sẽ tăng tính cạnh tranh trong khu vực.
Ảnh: Vũ Lê
Đơn vị tư vấn BĐS Savills cũng cho biết, việc Luật Nhà ở sửa đổi tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài là hướng tiếp cận phù hợp với tình hình thực tế hội nhập kinh tế hiện nay. Thị trường BĐS Việt Nam cũng sẽ trở nên cạnh tranh hơn trong nền kinh tế khu vực. Chính sách mới cũng sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đủ điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam có cơ hội tiếp cận với lĩnh vực BĐS trong một thị trường mới nổi, có những đặc điểm cấu trúc hấp dẫn và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Tổ chức Savills cũng nhận định, luật mới sẽ ảnh hưởng đến nhiều phân khúc thị trường, đồng thời, do thời điểm ra đời ngay khi các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam nên càng thuận lợi hơn. Để phát huy những lợi thế đó, quy trình thủ tục pháp lý ở Việt Nam phải cải cách phù hợp hơn, tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế và thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Là một người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, Luật sư Bùi Quang Hưng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập thì đây là một chính sách mà sớm muộn Việt Nam cũng phải thực hiện. Theo ông, trong khi có rất nhiều nhà kinh doanh BĐS của Autralia, Canada, thậm chí cả Singapore, một quốc gia có diện tích nhỏ đã chủ động tìm đường đến Việt Nam để tìm kiếm khách hàng thì không có lý do gì Việt Nam lại cấm người nước ngoài sở hữu nhà đất trong nước. Tại các quốc gia này, điều kiện sở hữu nhà đất cũng hết sức thông thoáng nhằm thu hút ngoại tệ nhiều hơn nữa.
Cũng có nhiều luồng ý kiến lo ngại chính sách mới có thể khiến người nước ngoài lũng đoạn thị trường nhà đất Việt Nam, nhưng theo ông Trung, chưa đến lúc phải lo ngại điều này bởi chính sách này chắc chắn không đủ để thổi bùng làn sóng sở hữu nhà của người nước ngoài. Chính sách này có chăng sẽ thu hút nhiều hơn người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam bỏ tiền tiền mua nhà thay vì đi thuê như trước.
Trong một cuộc trao đổi trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư từng nhẩm tính, hiện có khoảng 130.000 người người Hàn Quốc sinh sống và làm việc tại Việt Nam nhưng họ phải thuê nhà ở vì không được mua. Như thế để thấy được tiềm năng to lớn của thị trường này.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng việc tạo điều kiện dễ dàng cho người nước ngoài mua nhà không ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước như có nhiều ý kiến lo ngại. Để tránh tình trạng đầu cơ và tăng nguồn thu ngân sách, Luật sư Bùi Quang Hưng đề xuất nên có những chính sách cụ thể hơn về việc đánh thuế đối với nhóm khách hàng này.