Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Nở rộ đầu tư khách sạn

Cập nhật: 11/07/2014 10:18

Từ những tháng cuối năm 2013 tới nay, lĩnh vực khách sạn - khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam thu hút nhiều dự án lớn. Những dự án này trải dài từ Bắc tới Nam, với số vốn đầu tư đăng ký từ hàng chục triệu USD cho tới hàng tỷ USD/dự án.

Điểm qua thị trường từ đầu 2014 đến nay, có thể thấy không chỉ các NĐT nước ngoài mà cả các chủ đầu tư trong nước cũng đang tích cực tham gia vào sân chơi này. Tiêu biểu nhất phải kể đến sự trở lại của Tập đoàn Thành Thành Công, cũng như sự tham gia của các DN có tài chính mạnh như Công ty A&EM, CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương…

Tháng 4/2014, Thành Thành Công ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Thương mại Xuất khẩu Tây Nam (đơn vị đang điều hành khách sạn Tân Sơn Nhất, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) cùng xây dựng hệ thống khách sạn 4 - 5 sao trải dài từ Đà Lạt, Nha Trang đến TP. Hồ Chí Minh. Với hợp đồng ký kết này, Thành Thành Công dự kiến sẽ đưa vào chiến lược phát triển hoạt động khách sạn - du lịch đến 2020 là xây dựng hệ thống khu du lịch và khách sạn tại các tỉnh phía Nam, trước mắt là chuỗi khách sạn 3 - 4 sao mang thương hiệu Golf và Michelia.

Theo báo cáo của Thành Thành Công, trong tuần cuối của tháng 4/2014 các công ty thành viên của tập đoàn này đã mua hơn 6 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 49% cổ phần tại CTCP Du lịch Golf Việt Nam (VNG) và trở thành cổ đông lớn nhất của DN này. Trong khi đó, hiện nay VNG đang quản lý chuỗi khách sạn Golf từ 2 - 4 sao tại Đà Lạt, Cần Thơ, Hội An và khách sạn Golf Angkor tại Siêm Riệp (Campuchia). Ngoài việc mạnh tay mua lại cổ phần từ VNG, Thành Thành Công cũng đang mở rộng đầu tư và quản lý chuỗi khách sạn 4 sao Michelia tại Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời mở rộng khu nghỉ dưỡng 4 sao Pegasus Resort ở Phan Thiết (Bình Thuận).

Trong khi đó, tại phân khúc khách sạn cấp trung, thời gian qua Công ty A&EM nổi lên với thương hiệu khách sạn A&EM Hotel. Thống kê cho thấy, từ 2004 đến nay DN này đã không ngừng phát triển hệ thống chuỗi khách sạn này tại thị trường TP. Hồ Chí Minh. Đến thời điểm tháng 6/2014, A&EM đã sở hữu 11 khách sạn ở khu vực quận 1 (4 khách sạn 2 sao, 5 khách sạn 3 sao và 3 khách sạn xấp xỉ 4 sao). Dự kiến, DN này sẽ mở thêm một số khách sạn khác để trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất trong phân khúc 2 - 3 sao ở quận trung tâm thành phố.

Một DN khác cũng cần nhắc đến trong thị trường khách sạn trung và cao cấp là CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương - OCH (thuộc Tập đoàn Đại Dương). Trong vòng 3 năm trở lại đây, DN này đã tập trung phát triển 2 dòng khách sạn mang thương hiệu Sunrise (5 sao) và StarCity (4 sao). Hệ thống khách sạn của DN được xây dựng phổ biến tại Quảng Ninh, Nha Trang (Khánh Hòa) và TP. Hồ Chí Minh với quy mô lớn đã khiến doanh thu từ mảng khách sạn của DN tăng lên mức 11,9% tổng doanh thu trong năm 2013, lợi nhuận gộp từ mảng khách sạn khoảng 110 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong thời gian gần đây nhiều DN lớn trong nước đã tận dụng cơ hội phát triển nóng của ngành du lịch để đầu tư mạnh vào lĩnh vực khách sạn trung vào cao cấp. Do khó khăn về kinh tế đã có sự dịch chuyển khách từ khách sạn 5 sao xuống 3 - 4 sao, đặc biệt là khách thương gia, khách đoàn DN để tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, đây có thể xem là xu thế hợp thời và tích cực. Bởi mặc dù chịu tác động từ tình hình căng thẳng Biển Đông nhưng trong 6 tháng đầu năm 2014, lượng khách du lịch đến Việt Nam vẫn tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ tính riêng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm tổng doanh thu từ du lịch đã đạt khoảng 44.299 tỷ đồng. Với hoạt động xúc tiến thương mại từ nhiều chương trình lớn, các nhóm khách du lịch cá nhân và đi theo đoàn dự hội nghị, triển lãm thời gian qua đã tăng 31-35,3%, dự báo sẽ còn tăng mạnh trong các tháng cuối năm.

(Theo TBNH) 
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM