Hỏi: Ông nội tôi có 5 người con (3 trai, 2 gái). Ông mất năm 1982 không để lại di chúc, bà nội tôi ở vậy nuôi các con khôn lớn.
Các cô chú tôi sau đó lập gia đình và đều đi làm ăn xa, ba mẹ tôi ở với bà nội để chăm sóc. Đến năm 2008 bà nội tôi qua đời cũng không để lại di chúc.
Ba tôi đã quản lý và sử dụng ổn định toàn bộ số đất ông nội tôi để lại, đến nay đã được 15 năm, không có tranh chấp. Đất cũng đã được UBND xã cấp sổ đỏ, do ba tôi đứng tên. Nay hai chú tôi trở về và muốn chia đất đó với ba tôi (hai người còn lại không ý kiến) nhưng ba tôi không đồng ý. Hai chú đã viết đơn kiện lên UBND xã.
Xin hỏi, ba tôi không đồng ý chia đất đó cho chú tôi là đúng hay sai? Theo đúng luật thì tòa án sẽ giải quyết như thế nào?
Mong được luật sư và Địa ốc Online tư vấn. Cảm ơn.
lekute nguyen (lekute1993@... )
Trả lời
1. Thừa kế theo pháp luật:
Theo quy định của pháp luật về thừa kế, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật.
Do vậy, nếu quyền sử dụng đất (đối với diện tích đất hiện đang có tranh chấp) thuộc quyền sử dụng của ông, bà nội của bạn, trong trường hợp ông bà của bạn chết không để lại di chúc, di sản thừa kế của ông bà sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Theo đó, người thừa kế hàng thứ nhất (bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của ông bà của bạn) sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.
Ông của bạn mất năm 1982, không để lại di chúc. Đặt trường hợp, người thừa kế thuộc hàng thứ nhất của ông chỉ có bà của bạn và 5 người con , những người này sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau đối với phần di sản thừa kế của ông.
Với trường hợp bà bạn mất không để lại di chúc, nếu bà có di sản thừa kế, việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật của bà cũng thực hiện theo quy định trên.
2. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế:
Trong trường hợp có tranh chấp về thừa kế, bạn cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện về thừa kế.
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Ông bạn mất năm 1982, theo quy định, thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990, do đó, sau ngày 10-9-2000, những người có liên quan không có quyền khởi kiện để yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác (Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế”).
Tuy nhiên, Tòa án có thể không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết trong trường hợp:
i. Trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế;
ii. Hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.
3. Ba bạn không đồng ý chia đất, đúng hay sai?
Chúng tôi không đầy đủ dữ liệu cũng như hồ sơ có liên quan đến vụ việc của gia đình bạn, do vậy, không thể có câu trả lời cụ thể về việc, đúng hay sai pháp luật trong trường hợp ba bạn không muốn phân chia đất cho hai người chú của bạn.
Để có câu trả lời về việc ba bạn không đồng ý phân chia diện tích đất đang tranh chấp cho hai người chú là có cơ sở pháp lý hay không, bạn cần phải phải xác định rõ, quyền sử dụng đất này có phải là di sản thừa kế của ông, bà của bạn hay không.
Ngoài ra, cũng cần xác định, cơ sở pháp lý của việc ba của bạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đang tranh chấp.
Và hơn hết, theo chúng tôi, tình thân của gia đình cũng là yếu tố mà các bên phải đặc biệt lưu tâm khi giải quyết vấn đề.
Trân trọng.
Luật sư Đoàn Ngọc Linh (Trung tâm tư vấn pháp luật số 1 Tp.HCM)
(Theo TTO)