Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Trưng dụng đất là gì? Quy định về việc bồi thường khi trưng dụng đất

Cập nhật: 13/10/2020 08:28

Nhiều người thường đánh đồng thuật ngữ trưng dụng đất với thu hồi đất. Sai lầm này gây ra những rắc rối không nhỏ liên quan đến vấn đề bồi thường khi đất được trưng dụng. Vậy trưng dụng đất là gì, căn cứ pháp lý như thế nào và người dấn sẽ được bồi thường ra sao khi đất được trưng dụng?

1. Tổng quan về trưng dụng đất
Trưng dụng đất là gì?

Trưng dụng đất là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn đất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết, vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia.

Về bản chất, việc trưng dụng đất không làm chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng. Người bị trưng dụng sẽ được nhận lại quyền này khi hết thời hạn trưng dụng.

Căn cứ pháp lý điều chỉnh trưng dụng đất

- Luật đất đai 2013

- Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP

- Các quy định trong Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008

2. Điều kiện và quyết định trưng dụng đất
Điều kiện trưng dụng đất

Căn cứ Khoản 1 Điều 72 Luật Đất đai 2013, trưng dụng đất được áp dụng trong những trường hợp cấp thiết, nhằm thực hiện một số mục đích như: An ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, trong tình trạng chiến tranh khẩn cấp. 

Quyết định trưng dụng đất

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 72 Luật Đất đai 2013, quyết định trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản. Trong trường hợp khẩn cấp, không thể ra quyết định bằng văn bản thì có thể dung lời nói nhưng phải viết giấy xác nhận việc quyết định trưng dụng đất, chậm nhất là 48 giờ tính từ khi ra quyết định trưng dụng bằng lời nói và gửi cho người có đất trưng dụng. 

Quyết định trưng dụng đất phải được thể hiện rõ ràng bằng văn bản. Ảnh minh họa

3. Thẩm quyền và thời hạn ra quyết định trưng dụng đất

Có 9 chủ thể có thẩm quyền ra quyết định trưng dụng đất bao gồm Bộ trưởng các Bộ, ví dụ như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải... Những chủ thể này được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 72 Luật Đất đai 2013 và họ không được phân cấp thẩm quyền này của mình cho người khác.

Thời hạn trưng dụng đất

Căn cứ Khoản 4 Điều 72 Luật Đất đai 2013, thời hạn trưng dụng đất là không quá 30 ngày kể từ ngày quyết định trưng dụng đất có hiệu lực thi hành. Đối với những trường hợp trong tình trạng chiến tranh, khẩn cấp thì thời hạn đươc tính từ ngày ra quyết định đến không quá 30 ngày, kể từ ngày bãi bỏ tình trạng này. 

Thời hạn có thể được gia hạn thêm không quá 30 ngày khi mục đích của việc trưng dụng chưa hoàn thành, Quyết định gia hạn thời hạn trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản và được gửi đến cho người có đất được trưng dụng trước khi hết thời hạn trưng dụng. 
Trường hợp người có đất được trưng dụng nhưng không thự hiện quyết định trưng dụng thì theo Luật Đất đai 2013, người ra quyết định trưng dụng có quyền cưỡng chế thi hành và tổ chức cưỡng chế, hoặc ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh/huyện tổ chức cưỡng chế theo quy định tại Khoản 5 Điều 72 Luật này. 

4. Vấn đề bồi thường trưng dụng đất

- Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại: Bồi thường bằng tiền, dựa trên giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm trưng dụng đất. 

- Trường họp đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập: Bồi thường căn cứ mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng.

- Thẩm quyền quyết định bồi thường trưng dụng đất: Chủ tịch UBND cấp tỉnh/ huyện. Tiền bồi thường do ngân sách Nhà nước chi trả 1 lần, trực tiếp trong không quá 30 ngày kể từ ngày hoàn trả đất.

Trên đây chúng ta đã tìm hiểu về định nghĩa và các vấn đề pháp lý liên quan đến trưng dụng đất. Cùng với các bài viết khác trên Khonhadat.vn, hy vọng độc giả sẽ có thêm những thông tin hữu ích liên quan đến lĩnh vực đất đai. 

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM