Hôm qua (4/9), dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Ủy ban đã tổ chức phiên họp thường trực mở rộng với sự tham dự của đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia để thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng – cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) dự và giải trình tại phiên họp.
Công trình xây dựng. Ảnh minh họa
Sau hơn 9 năm thực hiện, Luật Xây dựng hiện hành đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự biến đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung của luật đã bộc lộ hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Xây dựng là hết sức cần thiết, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-TW Hội nghị lần thứ 4 BCH T.Ư Đảng (Khóa X) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Xây dựng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật còn góp phần hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Góp ý về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đề nghị Ban soạn thảo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện tổng thể hệ thống pháp luật có liên quan đến hoạt động xây dựng; nghiên cứu bổ sung các quy định có liên quan đến bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong hoạt động xây dựng như: quy hoạch, khảo sát, thi công công trình xây dựng; quy định đảm bảo an toàn trong xây dựng và quy định về vật liệu xây dựng.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cụ thể hóa nguyên tắc công khai, minh bạch trong thẩm định dự án đầu tư xây dựng; bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, tránh hiện tượng khép kín trong quản lý dễ gây thất thoát, lãng phí. Về cấp giấy phép xây dựng, Ủy ban KHCN&MT cho rằng, cần quy định chặt chẽ để làm cơ sở cho việc quản lý xây dựng công trình nhưng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân xin cấp phép.
Đa số các ý kiến tại buổi làm việc đánh giá cao quá trình chuẩn bị chu đáo, chất lượng khá tốt của cơ quan soạn thảo Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), nhất là việc chuẩn bị sẵn dự thảo các văn bản hướng dẫn, thi hành luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thẩm tra và đảm bảo Luật sớm được đi vào đời sống.
Góp ý tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia thống nhất nguyên tắc chung là cần quản lý chặt chẽ chi phí các dự án đầu tư xây dựng có nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tránh hiện tượng sửa đổi, bổ sung thiết kế, dự toán không sát, kể cả hiện tượng nâng giá thành, nâng mức đầu tư để các bên trục lợi, gây thất thoát, lãng phí.
Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nhóm các điều kiện về năng lực của tư vấn quản lý dự án, ban quản lý dự án trong Dự thảo Luật; bổ sung trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý hơn nữa vấn đề quy hoạch xây dựng, trong đó, lồng ghép chặt chẽ với quy hoạch phát triển chung, phù hợp và đồng bộ với quy hoạch chuyên ngành. Các đại biểu đề nghị cần ban hành chế tài về quy hoạch, kiên quyết xử lý các vụ việc quy hoạch treo.
Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ trong luật về vai trò của cộng đồng trong việc đóng góp ý kiến đối với các đồ án quy hoạch, xây dựng; quy định trong dự thảo Luật việc đảm bảo nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức….
(Theo PLVN)