Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Cần chi tiết hơn nữa, để phát huy hiệu quả…

Cập nhật: 09/09/2014 01:40

Bộ Xây dựng vừa đưa ra 9 giải pháp trình Chính phủ, nhằm đưa thị trường bất động sản (BĐS) phát triển bền vững.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, những giải pháp trên chỉ mới dừng lại ở mức chung chung chứ chưa cụ thể, vì vậy khó có thể phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Nhiều giải pháp “cứu” thị trường BĐS…

Trước thực trạng thị trường BĐS còn nhiều dấu hiệu cho thấy sự phát triển chưa hài hòa, ổn định, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Chính phủ, đề xuất 9 giải pháp phát triển thị trường, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy và quản lý thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững và lành mạnh.

Trong đó có đề xuất thống nhất hệ thống đăng ký sở hữu BĐS, đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất một cách khoa học. Đơn giản về thủ tục hành chính (TTHC), tin học hóa hệ thống đăng ký để người dân tự nguyện đăng ký, được Nhà nước bảo hộ và dễ dàng thực hiện các quyền đối với tài sản theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, đề xuất đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, bảo đảm thị trường BĐS phát triển theo quy hoạch, có kế hoạch, khắc phục tình trạng phát triển đô thị, triển khai các dự án BĐS một cách tự phát.

Thứ ba, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, nhằm kiểm soát, điều tiết thị trường BĐS phát triển bền vững. Thông qua việc đẩy mạnh hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để điều tiết thị trường và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, thống nhất quản lý việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Thứ tư, tái cơ cấu thị trường BĐS, phát triển đa dạng các loại hàng hóa BĐS, nhất là nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu. Chủ động bình ổn thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ năm, hình thành và tạo điều kiện để các định chế tài chính phát triển nhằm thu hút các nguồn vốn cho thị trường BĐS. Điều chỉnh chính sách tín dụng linh hoạt để tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường BĐS.

Thứ sáu, hoàn thiện chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan tới BĐS để khuyến khích sử dụng có hiệu quả BĐS, giao dịch chính thức trên thị trường, hạn chế đầu cơ, trốn lậu thuế cũng như tăng nguồn thu cho Nhà nước. Giải pháp thực hiện trên cơ sở phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định về lệ phí trước bạ liên quan tới BĐS.

Thứ bảy, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và nâng cao năng lực các chủ thể tham gia thị trường, để bảo đảm thị trường BĐS hoạt động một cách lành mạnh và chuyên nghiệp. Trong đó, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS cao cấp như khách sạn hạng cao cấp, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, căn hộ cao cấp và hạ tầng các khu công nghiệp cần vốn đầu tư lớn, cũng như các khu đô thị lớn mang tính đặc thù.

Thứ tám, xây dựng hệ thống thông tin, dự báo về thị trường BĐS thống nhất, tin cậy từ Trung ương đến địa phương làm cơ sở cho hoạch định chính sách, quản lý thị trường BĐS; thực hiện cung cấp thông tin, bảo đảm thị trường  hoạt động một cách công khai, minh bạch.

Thứ chín, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường BĐS trong việc công khai các thủ tục dịch vụ công liên quan đến việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu, chuyển dịch sở hữu, mua bán BĐS, sao lục hồ sơ BĐS, giao đất, cho thuê đất…

Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước nên đẩy mạnh phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê để giải quyết nhu cầu chỗ ở của người dân.

“Giải pháp” cần phải chi tiết cụ thể…

Trao đổi với PV báo PL&XH về 9 giải pháp mới được đưa ra để “giải cứu” thị trường BĐS, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng: Để thị trường BĐS rơi vào tình cảnh như hiện tại cơ quan chức năng cần phải nghiêm túc, nhìn nhận thấy lỗi và khuyết điểm của mình một cách có trách nhiệm. Sau đó, mới có thể đưa ra những giải pháp chi tiết cụ thể để phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Đực cho biết, Nghị quyết 43 của Chính phủ (về các nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh) đã yêu cầu phải cải cách triệt để TTHC, hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 40% TTHC, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Nhưng trong 9 giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra lại không nhắc tới Nghị quyết 43, cũng khiến DN lăn tăn. Cộng đồng DN đều thấy rằng, Nghị quyết 43 là một “liều thuốc” rất mạnh để có thể “giải cứu” thị trường BĐS.

Trong đó có việc giảm TTHC, tiết kiệm thời gian đầu tư dự án, đặc biệt là yêu cầu miễn giấy phép xây dựng. Thực tế, DN BĐS đang “dài cổ” chờ đợi Nghị quyết 43 triển khai sớm để tháo gỡ khó khăn cho họ, tại sao Bộ Xây dựng lại không xem ngay, đây cũng là một “giải pháp” thiết thực để cải cách TTHC theo Nghị quyết này?

“9 giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra tôi cho rằng vẫn còn chung chung, mặc dù nó ra sau thời điểm Nghị quyết 43 đã ban hành nhằm mục tiêu giảm ít nhất 40% TTHC cho DN BĐS, giảm thời gian thực hiện dự án, miễn giấy phép xây dựng. Chính vì vậy, tôi thấy nhiều DN BĐS nghi ngờ về hiệu quả của 9 giải pháp này, cũng là có cơ sở”, ông Nguyễn Văn Đực cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, cộng đồng DN đặc biệt là các DN BĐS đều “kêu ca” rằng, TTHC để triển khai các dự án BĐS vẫn còn quá rườm rà, đến mức có thể xem là nguyên nhân khiến nhiều DN “nghẽn mạch”.

(Theo Báo Pháp luật & Xã hội)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM