Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Cần làm rõ trách nhiệm trong quản lý nhà chung cư TĐC

Cập nhật: 11/12/2014 14:32

Chất lượng kém, dịch vụ quản lý, vận hành không bảo đảm là những lời phàn nàn, kêu ca về nhà chung cư TĐC. Trong khi cư dân ở đây đang phải hàng ngày đối mặt với những khó khăn thì các đơn vị đang quản lý lại kêu thiếu kinh phí sửa chữa, bảo trì.

Có một bất cập trong quy hoạch các dự án tại Hà Nội là trong khi các dự án lấy mặt bằng xong xuôi thì nhiều khu nhà TĐC vẫn chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Điều này khiến người dân phải sinh hoạt trong điều kiện, tiện nghi không đảm bảo, gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến chất lượng quản lý, vận hành chung cư TĐC. Trớ trêu lại có những dự án GPMB chậm, nên dù nhà TĐC đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng ngay khiến cho các khu nhà này xuống cấp, hư hỏng, vừa lãng phí, vừa không phát huy được ý nghĩa của nó trong việc ổn định chỗ ở cho cư dân. Trong khi đó, dưới áp lực giá phải rẻ, chất lượng nhà TĐC còn thua xa nhà thương mại, điều này càng đẩy nhanh việc nhà tái định cư xuống cấp.

Hình ảnh khu nhà ở tái định cư tại Nam Trung Yên. Ảnh: Hải Anh

Những hiện tượng như gạch bong, tường tróc, nền sụt lún, ống nước vỡ, thang máy hỏng, máy bơm hỏng... khá phổ biến và không được đơn vị vận hành sửa chữa kịp thời. Chuyện quyền lợi trong sở hữu tầng 1 cũng làm nảy sinh nhiều tranh chấp giữa đơn vị quản lý và người dân. Trong khi người dân cho rằng diện tích tầng 1 của chung còn doanh nghiệp cho rằng nó thuộc sở hữu nhà nước vì không phân bổ vào giá bán. Không chỉ thế, việc cho thuê rất lộn xộn, thiếu minh bạch, công khai khiến người dân nghi ngờ, thắc mắc về việc ai sẽ là người giữ số tiền có được khi cho thuê tầng 1?

Phàn nàn không chỉ đến từ người dân đang ở nhà TĐC mà ngay cả đơn vị chịu trách nhiệm vận hành cũng thường xuyên kêu ca vì thiếu kinh phí sửa chữa, bảo trì. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, có 44 tòa xây dựng từ trước khi có Luật Nhà ở trong số 155 tòa chung cư TĐC nên trong giá bán sẽ không thu kinh phí bảo trì 2%. Việc sửa chữa, bảo trì chung cư phải lấy ý kiến và thu đóng góp của người dân nhưng ít khi được đồng thuận nên việc duy tu, sửa chữa luôn gặp khó khăn. Nhưng số tiền thu được không nhiều do giá bán nhà TĐC rẻ kể cả khi tòa nhà có thu 2% phí bảo trì.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, phí dịch vụ đối với nhà TĐC chỉ khoảng 30.000 đồng/hộ/tháng, còn tiền thu từ cho thuê tầng 1 nộp vào ngân sách để chi sửa chữa, hỗ trợ vận hành lại phải qua quá nhiều thủ tục. Chính sự thiếu hụt về kinh phí nên việc quá trình vận hành dịch vụ cũng chưa được đến nơi đến chốn; nhiều việc từ bảo vệ, trông giữ xe, đến vận hành thang máy, sửa chữa điện - nước đôi khi chỉ có một người kiêm nhiệm. Từ năm 2012 đến nay, số tiền khoảng 16,5 tỷ sửa chữa các hạng mục hư hỏng của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội vẫn chưa được thanh toán.

Ông Nguyễn Tử Quang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Handico, đơn vị đang vận hành 18 tòa chung cư tại khu TĐC Nam Trung Yên chia sẻ, Tổng Công ty ứng khoảng 600 triệu cho vận hành dịch vụ 18 tòa chung cư trung bình mỗi tháng, số tiền nay cũng chỉ ở mức tối thiểu và vẫn chưa biết hạch toán ra sao. Số tiền dịch vụ phải thu khoảng 5.000 đồng/m2/tháng nếu tính đủ chi phí.

Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị cho phép đơn vị quản lý - vận hành nhà TĐC được chủ động kinh doanh diện tích tầng 1, số tiền thu được sẽ bổ sung vào chi phí dịch vụ. Nhưng kiến nghị này lại không được ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đồng tình, ông cho rằng việc quản lý nhà TĐC và vận hành nhà TĐC phải được tách biệt. Theo ông Hùng, để quản lý các nhà chung cư TĐC, Sở Xây dựng cần chọn một ban quản lý dự án. Nhiệm vụ vận hành sẽ thuộc về Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và Tổng Công ty Handico; từ đó tiến tới thực hiện dịch vụ nhà chung cư TĐC theo hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu từ thành phố. Thành phố chọn đơn vị nào làm tốt nhất kể cả doanh nghiệp tư nhân nếu làm tốt.

Nguồn thu từ cho thuê tầng 1 các tòa nhà được lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định do Nhà nước quản lý và bổ sung cho chi phí dịch vụ của tòa nhà. Sở Tài chính để bảo đảm minh bạch, công khai sẽ trình cơ chế quản lý tài sản nhà nước, phương án giá dịch vụ, phương án lấy nguồn thu từ tầng 1 bổ sung chi phí dịch vụ lên lãnh đạo TP. Việc báo cáo rà soát tổng thể quỹ nhà TĐC, phân loại, lập quy trình vận hành từng tòa nhà, từng khu nhà phù hợp với nguồn gốc hình thành sẽ do Sở Xây dựng đảm nhiêm. Trách nhiệm của Nhà nước và của người dân phải được quy chế phân định rõ ràng. Ông Hùng khẳng định: Trước tiên, Nhà nước làm tốt trách nhiệm của mình. Vận hành tốt, quản lý minh bạch, công khai, người dân sẽ thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

(Theo Hà Nội Mới)
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM