Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Chung cư phải dành chỗ để xe cho người khuyết tật

Cập nhật: 12/08/2014 20:01

Bộ Xây dựng đang tiến hành lấy ý kiến về Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật (NKT) tiếp cận sử dụng.

Một trong các nôi dung đáng chú ý tại dự thảo là quy định tất cả các bãi đỗ xe công cộng và bãi đỗ xe trong các tòa nhà phải để dành ít nhất 2% diện tích để xe cho người khuyết tật, tức là cứ 50 chỗ đỗ xe thì phải có tối thiểu 1 điểm đỗ dành cho người khuyết tật.

Các công trình xây dựng để đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng bao gồm: Nhà chung cư, công trình công cộng: trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao, công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ; nhà ga, bến tàu, bến xe, đường, hè phố và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Các chung cư phải dành ít nhất 2% chỗ để xe cho người khuyết tật.

Dự thảo quy chuẩn yêu cầu, trong bãi đỗ xe công cộng và bãi đỗ xe trong các tòa nhà phải có chỗ đỗ xe của NKT. Căn cứ vào tổng số chỗ để xe từ 5-50 xe thì phải có tối thiểu 1 điểm đỗ dành cho NKT. Nếu trên 300 chỗ đỗ xe thì tối thiểu phải có 5 điểm đỗ và thêm 1 chỗ cho mỗi lần thêm 100 xe.

Vị trí chỗ đỗ xe của NKT phải được bố trí gần lối vào công trình. Đối với các bãi đỗ xe công cộng thì chỗ để xe của NKT phải gần với đường dành cho người đi bộ. Nếu các công trình có nhiều bãi đỗ xe, nhiều lối vào, thì vị trí chỗ đỗ xe của NKT phải gần lối ra vào.

Tại các điểm chờ xe buýt khi có sự thay đổi cao độ phải bố trí vệt dốc hay đường dốc và đặt các tấm lát nổi hoặc đánh dấu bằng các màu sắc tương phản trên đường chờ để NKT đến được các phương tiện giao thông. Tại khu vực dành cho NKT phải có biển báo, biển chỉ dẫn hoặc các dấu hiệu cảnh báo có thể nhận biết.

Bên cạnh đó, còn nhiều quy chuẩn đáng chú ý khác tại dự thảo như: Thang máy thì cửa phải được lắp đặt thiết bị tự đóng mở. Thời gian đóng mở phải lớn hơn 20 giây để đảm bảo an toàn cho NKT. Trong thang máy phải bố trí tay vịn.

Bảng điều khiển trong buồng thang máy được lắp đặt ở độ cao không lớn hơn 1.200mm và không thấp hơn 900mm tính từ mặt sàn thang máy đến tâm nút điều khiển cao nhất. Trên các nút điều khiển nên có các ký tự hoặc tín hiệu cảm nhận được và hệ thống chữ nổi Braille dành cho NKT nhìn.

Biển báo hiển thị số tầng tương ứng với vị trí thang được bật sáng hoặc có hệ thống thông báo bằng âm thanh bên ngoài và bên trong thang máy. Cạnh cửa ra thang máy tại mỗi tầng phải bố trí chữ nổi để trợ giúp cho NKT nhìn nhận biết điểm đến và điểm dừng của thang.

Hay như tại khu vệ sinh trong các công trình công cộng cho NKT không nhỏ hơn 5% tổng số phòng vệ sinh nhưng không được ít hơn 1. Đối với nhà vệ sinh công cộng tối thiểu phải có 1 phòng vệ sinh dành cho người khuyết tật.

Phòng chăm sóc bệnh nhân trong các công trình y tế  đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng được quy định: Đối với bệnh viện, không nhỏ hơn 20% tổng số phòng bệnh, đối với trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng: 100% buồng phòng; Trung tâm điều dưỡng: không nhỏ hơn 50 % số buồng phòng.

(Theo Infonet) 
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM