Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Còn nhiều khúc mắc trong quản lý dự án nhà ở

Cập nhật: 09/06/2014 11:30

Ngày 6/6, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở Xây dựng về việc chấp hành pháp luật trong thực hiện đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TP giai đoạn từ năm 2006 đến nay.

Nhiều vấn đề liên quan đến các dự án phát triển nhà ở đã được "mổ xẻ", trong đó tập trung vào một số vấn đề còn tồn tại bất cập như điều chỉnh quy hoạch dự án, chuyển nhượng một phần dự án.

Quá nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch

Qua nhiều đợt giám sát các dự án đô thị mới, phát triển nhà ở trên địa bàn cho thấy, tỷ lệ dự án điều chỉnh quy hoạch là rất lớn. Hầu như dự án nào cũng có điều chỉnh, không ít thì nhiều. Trong số đó, nhiều dự án được điều chỉnh theo chiều hướng gia tăng mật độ, tăng dân số và có lợi cho chủ đầu tư. Việc điều chỉnh dự án là cần thiết trước những thay đổi mang tính khách quan, tình hình thị trường, tuy nhiên trước tỷ lệ điều chỉnh quá lớn, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt đặt câu hỏi: Phải chăng khâu chuẩn bị đầu tư có vấn đề? Có dự án 8 lần điều chỉnh. Chủ đầu tư cấp 1 điều chỉnh, các nhà đầu tư thứ cấp, mỗi "ông" điều chỉnh một tý, làm thay đổi hoàn toàn dự án.

Ông Lê Văn Hoạt cho rằng, cần phải rà soát xem tỷ lệ bao nhiêu dự án phải điều chỉnh. Một thực tế cũng được nhận diện đó là nhiều công trình công cộng, hạng mục hạ tầng chưa được đầu tư với lý do khó GPMB vì các vị trí bố trí những công trình này thường được đặt vào nơi "phức tạp" như đông dân cư, nghĩa trang. Đoàn giám sát cũng đã đặt ra câu hỏi cho vấn đề này, phải chăng các vị trí có khó khăn trong GPMB đã được "sắp xếp" cho các công trình hạ tầng xã hội (?).

Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã được điều chỉnh quy hoạch

Về điều chỉnh dự án, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, dự án điều chỉnh đều do chủ đầu tư đề xuất, chủ yếu là để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế từng giai đoạn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Việc chuyển đổi được hay không, có đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn là lĩnh vực quản lý của Sở QH - KT.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở QH - KT Ngô Quý Tuấn phân tích, việc điều chỉnh quy hoạch phải tuân thủ các tiêu chí, tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cũng có dự án khi điều chỉnh đã không thực hiện được đầy đủ các tiêu chí đặt ra. Từ khi có Thông tư 02 cho phép điều chỉnh căn hộ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhu cầu điều chỉnh của các dự án tăng lên. Sở QH - KT cũng đã kiến nghị chủ trương điều chỉnh cơ cấu căn hộ của các dự án cần được thực hiện tổng thể theo khu vực tránh việc xét duyệt đơn lẻ theo từng dự án làm tăng mật độ dân số, tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng.

Không quản nổi việc chuyển nhượng dự án

Tại buổi giám sát, không riêng Sở Xây dựng, đại diện các ngành như TN&MT, KH&ĐT, QH - KT, đều bày tỏ sự băn khoăn về hiệu lực quản lý của cơ quan Nhà nước đối với việc chuyển nhượng từng phần dự án. "Đây là một thực tế đã và đang diễn ra" - Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục nói, đồng thời cho biết, quy định của luật hiện hành có đề cập đến việc chuyển nhượng đất có đầu tư hạ tầng nhưng quy trình, thủ tục, điều kiện, không được quy định. Vì vậy, hiện các chủ đầu tư cấp 1 vẫn "vô tư" thực hiện chuyển nhượng một phần dự án cho các chủ đầu tư thứ cấp mà các cơ quan quản lý không thể quản lý được. Điều này dẫn đến một câu chuyện phức tạp, đó là nhà đầu tư thứ cấp không thực hiện đúng quy hoạch, tiến độ, không thực hiện đủ các nghĩa vụ về thuế, đặc biệt là trách nhiệm với những người dân mua nhà ở.

Cùng với sự bất cập trong quy định về thủ tục chuyển nhượng dự án, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt chỉ ra rằng, việc công bố công khai các dự án nhà ở cũng chưa được thực hiện đầy đủ. Lẽ ra khi xây dựng Chương trình phát triển nhà ở thì phải chỉ ra các dự án để kêu gọi đầu tư nhưng thực tế là chủ đầu tư tìm, đối chiếu với quy hoạch rồi xin làm. Vì thế chỗ ngon thì làm, chỗ không ngon thì không ai để ý.

Đoàn giám sát của HĐND TP đã chỉ ra rằng, với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu, quản lý phát triển nhà ở, Sở Xây dựng cần có tổng hợp, tham mưu cho TP. Sở cần tổng hợp các dự án trên địa bàn để tham mưu, đề xuất điều chỉnh, thanh tra, kiểm tra để TP chỉ đạo, xử lý các vi phạm, kể cả các vấn đề không thuộc thẩm quyền của Sở. Đoàn đề nghị sau đợt giám sát, Sở Xây dựng và các sở, ngành cần rà soát lại thông tin báo cáo, tập trung vào tồn tại, hạn chế trong chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án, chỉ rõ nguyên nhân, kiến nghị gửi HĐND TP và báo cáo UBND TP xem xét. Để tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý, các sở, ngành cần nâng cao năng lực và sự chủ động.

(Theo KTĐT)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM