Chính phủ vừa ban hành Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai. Nghị định đã dành một ngoại lệ về việc vẫn cấp sổ đỏ cho đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu nếu nếu chủ sử dụng đất đáp ứng những điều kiện nhất định.
Điều kiện mà Nghị định đề cập đó là thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh có đủ điều kiện cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Nếu đáp ứng điều kiện trên, chủ sử dụng đất sẽ được cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo quy định trước đây, đối với trường hợp thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu thì chủ sử dụng đất sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cũng như quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tự chia tách sau khi đã được cấp sổ đỏ: không giải quyết
Tuy vậy, để hạn chế tình trạng tách thửa ồ ạt và tránh hiểu nhầm cho người dân, Chính phủ cũng quy định những trường hợp không được công chứng, chứng thực, cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không được làm thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đó là trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp Giấy chứng nhận thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì sẽ được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới.
Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở - phải có giấy tờ gì?
Bên cạnh việc được cấp sổ đỏ, một trong những mối quan tâm của người dân là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Bởi vậy, Nghị định 43/2014/NĐ-CP cũng quy định cụ thể những nội dung liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, để được chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở, hộ gia đình, cá nhân trong nước phải có một trong các loại giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở, như: Giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trường hợp nhà ở đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài giấy phép xây dựng nhà ở, Nghị định cũng công nhận một số loại giấy tờ khác để chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở. Chẳng hạn, hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở hoặc giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ trước ngày 5/7/1994; giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật…
Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong những giấy tờ quy định nêu trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong các giấy tờ về mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 1/7/2006 có chữ ký của các bên có liên quan và phải được UBND cấp xã xác nhận; trường hợp nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 1/7/2006 mà không có giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có chữ ký của các bên có liên quan thì cũng phải được UBND cấp xã xác nhận về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở đó.
Đáng chú ý, nếu người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong những giấy tờ quy định nêu trên, nhưng hiện trạng nhà ở không phù hợp với giấy tờ đó thì phần nhà ở không phù hợp với giấy tờ phải được UBND cấp xã xác nhận.
Ngoài những quy định trên, Nghị định cũng quy định những loại giấy tờ mà người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải có, trong đó có giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc nhận thừa kế nhà ở hoặc được sở hữu nhà ở thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật về nhà ở.
(Theo Chinhphu/PLVN)