Dự án Thảo cầm viên tại huyện Củ Chi (Tp.HCM) thu hồi đất gần 10 năm nhưng lại chậm triển khai dự án, bỏ hoang hóa đất và cũng chưa có nền tái định cư cho dân.
Hỏi chỗ quy hoạch tái định cư cho dự án Thảo cầm viên (Safari), người dân ở ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) chỉ khu đất bằng phẳng ở mặt tiền ngay ngã tư Nguyễn Thị Rành - An Nhơn Tây. Đó là nơi hàng trăm gia đình phải di dời trong dự án Thảo cầm viên đang chờ để tái định cư gần 10 năm qua.
Nhà rách không dám sửa
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Thủy trên đường An Nhơn Tây như một cái chòi giữ đồng bởi bốn bên trống hoác. Vách phía trước và bên trái nhà được che bằng những miếng liếp tre rách toác. Vách bên phải là hai miếng tôn, cũng là vách ngăn với chuồng bò. Bà Thủy thiệt thà: “Trước đây, chỗ đó cũng trống như mấy vách bên này, con trai của tôi sắp cưới vợ nên mới mua hai miếng tôn về che để có phòng tân hôn”. Bà Thủy nói ai không muốn ở nhà đàng hoàng, nhưng Nhà nước chỉ cho ở tạm ba tháng trong thời gian chờ nền tái định cư. Gia đình bà ở trong tư thế tạm như vậy gần 10 năm rồi, nhà rách cũng không dám che lại, sợ hôm nay sửa, ngày mai chính quyền lại lấy nhà.
Nhà bà Nguyễn Thị Thủy ở tạm trong khu vực bị thu hồi đất |
Nhiều người dân tại ấp Bàu Đưng còn đang tạm ở trong khu vực bị thu hồi đất, chờ nền tái định cư và nhà cửa cũng che tạm bằng đủ thứ vật liệu từ giấy dầu, liếp tre, tôn cũ. Giếng khô nước không dám vét thêm.
Chỗ ở đã khổ, kiếm cái ăn còn cực hơn. Gia đình bà Thủy có gần 60 cao đất vườn (khoảng 6.000m²) và 68 cao đất ruộng. Theo bà Thủy, trước đây đất ruộng trồng mỗi năm một vụ lúa, những vụ còn lại trồng đậu phộng, dưa hấu, rau màu: đất vườn cũng trồng đậu, dưa leo... nuôi bảy đứa con ăn học. Giờ Nhà nước thu hồi đất, bà Thủy cùng những người con đi làm mướn. Nhưng khu vực này không có nhiều công việc nên bà Thủy phải thường xuyên ở nhà đan liếp tre, mỗi ngày kiếm được khoảng 20.000 đồng. “Không còn đất canh tác, không có việc làm ổn định nên cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Nếu cuộc sống tạm bợ kéo dài thì tôi không còn tiền xây nhà trên nền đất mới”, bà Thủy lo lắng.
Theo UBND H.Củ Chi, có gần 300 hộ gia đình đăng ký tái định cư nhưng hơn một nửa tự tạo lập nơi ở mới, còn phân nửa đang chờ nền tái định cư.
“Cánh đồng hoang” gần 500 ha
Từ ngã tư Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây, dọc đường An Nhơn Tây về phía tay trái hoặc đường Nguyễn Thị Rành hướng lên xã Phú Mỹ Hưng có hàng rào kẽm gai, cột bêtông kéo dài, có nhiều tấm bảng nhỏ màu xanh với dòng chữ “công viên Sài Gòn Safari”. Phần lớn diện tích đất bên trong hàng rào bị bỏ hoang cho cây bụi mọc um tùm, hoặc đồng trống làm bãi thả trâu bò.
Cánh đồng phía nam đường Nguyễn Thị Rành tại ấp Phú Thuận, xã Phú Mỹ Hưng đang xăm xắp nước sau đợt mưa kéo dài. Ông Đoàn Văn Lanh, một chủ máy cày, cho biết hơn chục năm trước, mùa mưa giữa năm là mùa sạ lúa duy nhất trong năm. Từ khi giao đất cho Nhà nước thì người dân không sạ lúa, tỉa đậu nữa. Cả cánh đồng rộng mấy chục hecta bỏ trống. Nhiều chủ đất cũ tiếc đất bỏ hoang nên quay lại cày đất sạ lúa một mùa duy nhất trong năm. “Đất bỏ hoang nhiều năm bạc màu, lúa không có năng suất, thu hoạch không được là bao. Người ta trồng để đỡ xót đất và lấy rơm, rạ cho trâu bò ăn là chính”, ông Lanh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Phướng, chánh văn phòng - người phát ngôn của UBND huyện Củ Chi, cho biết khi di dời dân trong dự án Thảo cầm viên Sài Gòn thì có phương án xây dựng khu tái định cư 22 ha, tổng vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng. Nhưng do khó khăn về kinh tế nên không phân bổ được vốn để đầu tư khu tái định cư. Năm 2014, UBND TP bố trí vốn 30 tỉ đồng để triển khai giai đoạn 1 của khu tái định cư (khoảng 18 ha), đang trong giai đoạn mở thầu để triển khai đầu tư xây dựng. Riêng dự án Thảo cầm viên đang kêu gọi đầu tư.
Nhiều khiếu nại về giá bồi thường đất
Theo UBND huyện Củ Chi, toàn dự án có 705 hộ dân bị ảnh hưởng. Từ năm 2004-2008, có khoảng 96% hộ dân nhận tiền bồi thường, còn 34 hộ (14 hộ đã nhận tiền và 20 hộ chưa nhận tiền) khiếu nại về giá bồi thường.
Sau khi UBND TP đồng ý để UBND huyện Củ Chi sử dụng tám tiêu chí làm cơ sở để phân loại đất cho dân, UBND huyện ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của 34 hộ dân trên. Có 12 hộ dân được điều chỉnh số tiền bồi thường, bác đơn khiếu nại của 22 hộ còn lại. UBND huyện Củ Chi áp dụng tám tiêu chí trên rà soát toàn dự án, phát hiện thêm 80 hồ sơ cần bổ sung tiền bồi thường. UBND huyện công khai danh sách 80 hộ dân này thì phát sinh 96 hộ dân khiếu nại yêu cầu tăng tiền bồi thường đất. UBND huyện đã báo cáo, xin ý kiến UBND TP về việc này. Đến nay, UBND TP chưa trả lời UBND huyện Củ Chi nên huyện chưa thể trả lời đơn khiếu nại của các hộ dân.