Tôi về ở căn nhà này từ khi còn bé xíu, đã nghe chuyện nhà mình bị nằm trong quy hoạch và đã có quyết định thu hồi đất. Nay tôi đã có chồng, có con mà nhà tôi vẫn chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Căn nhà tôi ở đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh (Tp.HCM) là nhà cấp 4, do mẹ tôi mua và xây dựng từ năm 1987. Lúc đó, gia đình tôi không có tiền nên xây tạm nhà dạng cấp 4, nền móng không chắc chắn lắm. Từ năm 2000, căn nhà bắt đầu hư hỏng nặng.
Gia đình tôi nhiều lần đến UBND phường xin sửa nhà nhưng UBND phường chỉ cho nâng nền, nâng mái chống ngập chứ không cho sửa chữa, xây dựng mới bởi nhà nằm trong dự án đã có quyết định thu hồi đất.
Căn nhà cũ của bà Phương sau khi bị tháo dỡ
Do khu vực nhà tôi ở thường xuyên bị ngập và mức ngập ngày càng sâu, nhà tôi đã được nhiều lần nâng nền chống ngập nhưng vẫn không thoát ngập. Mỗi khi triều cường, nước cống đen ngòm tràn lên nhà theo lỗ cống, còn khi trời mưa thì nước từ ngoài đường chảy vô nhà ngập ngụa, làm hư hỏng đồ đạc. Tôi phải xây hai bục chắn nước cao khoảng 6-7 tấc, một ở cửa trước nhà để ngăn nước mưa tràn vô nhà, một bao quanh chỗ rửa chén, nơi có họng cống để ngăn nước cống tràn ra nhà mỗi lần có triều cường. Vì nâng nền nhiều lần mà không nâng mái nên nhà tôi dần trở nên ẩm thấp, tường và trần nhà bị rêu mốc, không khí trong nhà rất ngột ngạt, khó chịu.
Đến đầu năm 2013, nhà tôi tiếp tục bị ngập nhưng không thể nâng nền lên nữa vì cửa nhà đã đụng trần sau những lần nâng trước. Lúc này tôi mới sinh con nhỏ và cháu thường xuyên bị viêm hô hấp vì ở trong nhà quá ẩm thấp. Tôi xin UBND phường cho nâng nền, nâng mái, đi lại đường dây điện, sửa ống nước. Tuy nhiên sau khi dỡ mái, kèo, cột nhà ra thì bức tường phía ngoài mất chỗ tựa, nghiêng khoảng 15 độ, muốn sập và có nhiều vết nứt. Sợ xảy ra tai nạn nên tôi yêu cầu thợ đập bức tường cũ. UBND phường 26 lập biên bản yêu cầu ngưng thi công vì thực hiện sai so với nội dung đăng ký sửa chữa và buộc tôi phải làm thủ tục xin giấy phép xây dựng (GPXD) tại UBND quận.
Ngày 15/6, UBND phường 26 đã có công văn đề xuất Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh cấp GPXD nhà mới theo đúng nguyên trạng của căn nhà cũ. Sau đó, tôi nộp hồ sơ xin cấp GPXD mới cho căn nhà trên. Ngày 21/8, UBND quận Bình Thạnh trả lời không có cơ sở để cấp GPXD cho tôi vì vị trí xin GPXD thuộc dự án khu nhà ở dọc trục Đinh Bộ Lĩnh đã có quyết định thu hồi đất. Tôi đến phòng tiếp công dân của UBND quận Bình Thạnh xin gặp lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận để trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng. Lãnh đạo phòng hứa sẽ trình hồ sơ của tôi để lãnh đạo UBND quận có ý kiến. Hơn một tháng chờ đợi, đến giữa tháng 10, tôi mới được UBND quận Bình Thạnh đồng ý cho tôi xây lại nhà theo đúng diện tích và quy mô của căn nhà cũ.
Không chỉ gia đình tôi mà nhiều người dân ở khu vực nhà tôi rất bức xúc về việc thực hiện dự án này. Nhiều lần nghe thông tin trên báo, đài rằng dự án treo, quy hoạch treo nếu 3 năm, 5 năm không thực hiện được thì phải xóa, tôi mừng lắm, đến UBND phường hỏi thăm nhưng rồi thất vọng nhiều hơn bởi Nhà nước xóa treo ở đâu chứ dự án chỗ nhà mình thì không xóa. Tôi và người dân ở đây chỉ có một nguyện vọng: Nếu chủ đầu tư không thực hiện dự án thì Nhà nước xóa treo để chúng tôi làm giấy tờ nhà, đất và xây sửa nhà cửa để cải thiện chỗ ở, có chỗ kinh doanh, buôn bán. Còn chủ đầu tư vẫn muốn thực hiện dự án thì nhanh chóng bồi thường để chúng tôi tìm chỗ ở mới, ổn định cuộc sống.
Phạm Như Phương (Q.Bình Thạnh, Tp.HCM)
Gần 900 căn nhà bị “dính” dự án treo Theo UBND phường 26, toàn phường có gần 900 căn nhà của dân nằm trong các dự án treo từ 13 năm trở lên và không được phép xây dựng như nhà của bà Phương. Đó là một phần của các dự án nhà ở dọc trục Đinh Bộ Lĩnh giai đoạn 1, 2 và dự án khu nhà ở bắc Đinh Bộ Lĩnh. Đây là những dự án đã có quyết định thu hồi đất từ những năm 1994-2000, chủ đầu tư là Công ty Phát triển và kinh doanh nhà Bình Thạnh (nay là Công ty TNHH một thành viên địa ốc Bình Thạnh). Sau khi có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư chỉ triển khai một phần dự án với phần diện tích đất được xây nhà, phân lô, bán nền. Những diện tích đất được bố trí là cây xanh, công viên, công trình công cộng thì chủ đầu tư chưa triển khai và treo cho đến nay. Theo tìm hiểu của phóng viên, các cơ quan chức năng không thể điều chỉnh diện tích của dự án theo hướng cắt phần đất chưa bị thu hồi ra khỏi dự án, xóa treo cho người dân, vì nếu như xóa treo phần diện tích còn lại thì các chỉ tiêu về cây xanh, công trình công cộng (lẽ ra chủ đầu tư phải xây dựng) của khu vực này sẽ bị thiếu hụt. Vừa qua, UBND TP đã chỉ đạo thanh tra hơn 10 dự án của Công ty TNHH một thành viên địa ốc Bình Thạnh và kết luận: đối với những dự án đã có hạ tầng tương đối hoàn chỉnh sẽ xóa treo phần diện tích dự án còn lại, trả lại quyền lợi về nhà, đất cho người dân. Hiện UBND TP đã giao cho Sở Tài nguyên và môi trường nghiên cứu xử lý những dự án dang dở của công ty này, trong đó có hai dự án tại phường 26. Theo lãnh đạo của sở này, không thể máy móc điều chỉnh giảm phần diện tích dự án chưa thực hiện mà phải cân nhắc nhiều yếu tố, ít nhất là phải yêu cầu chủ đầu tư thực hiện một số công trình hạ tầng tối thiểu cho dự án. |
(Theo TTO)