Theo dự kiến, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông phải hoàn thành GPMB vào tháng 12/2012, tuy nhiên hiện nhiều hạng mục chậm so với tiến độ từ 5- 8 tháng.
Sáng 10/12, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi và lãnh đạo một số sở, ngành, quận của Hà Nội đã làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường để xử lý các vướng mắc, quyết hoàn tất nốt việc GPMB của dự án.
Báo cáo của Ban QLDA đường sắt (Cục đường sắt Việt Nam) cho biết việc GPMB đang mắc tại cả 3 quận: Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông. Theo đó, trên địa bàn quận Đống Đa, việc GPMB ga Thái Hà và đoạn tuyến qua khu dân cư tại phường Thịnh Quang đáng lẽ phải hoàn thành vào ngày 30/9/2013 nhưng dự kiến bị kéo dài sang tháng 1/2013, chậm hơn 3 tháng so với yêu cầu tiến độ tổng thể được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, chậm hơn 4 tháng so với thời hạn yêu cầu của UBND TP Hà Nội.
Trên địa bàn quận Thanh Xuận, việc GPMB liên quan đến đoạn đường cong sau ga Láng thuộc phường Thượng Đình và các nhà ga Đại học Quốc gia, ga Vành đai 3 cũng có nguy cơ kéo dài sang tháng 1/2014.
Bên cạnh đó, ở địa bàn quận Hà Đông cũng đang mắc trong GPMB đường dẫn ra, vào trung tâm Depot tại khu vực phường Phú Lâm, Phú Lương, Phú La đều bị chậm tiến độ từ 3 đến 6 sáng so với tiến độ tổng thể của Bộ Giao thông Vận tải; riêng việc di chuyển nghĩa trang Vân Nội cũng có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Nhìn chung, tiến độ bàn giao mặt bằng tại các quận cho công tác thi công dự án đã chậm từ 3 đến 8 tháng so với các mốc tiến độ được xác định trong Kế hoạch tiến độ tổng thể thực hiện dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tháng 3/2013; đồng thời chậm từ 2-4 tháng so với yêu cầu của lãnh đạo TP tại Thông báo số 75/TB-VP ngày 18/9/2013. Việc này đang ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn thành dự án trong năm 2015 như yêu cầu của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và TP Hà Nội đã thống nhất.
Mặt khác, công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật như đoạn La Thành – Láng; nâng cao đường điện 220 kV trên đoạn Ba La – bến xe Yên Nghĩa cũng chậm từ 5 đến 8 tháng theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải.
Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Nội Vụ, việc tuyển dụng nhân lực lái tàu đang gặp khó khăn, mới tuyển được 27/48 người. Nguyên nhân do trước đây yêu cầu tuyển dụng cao (như phải có kinh nghiệm từ 3 – 5 năm), nhưng chế độ lương chưa hấp dẫn. Vừa qua đã hạ dần tiêu chuẩn nhưng vẫn chưa tuyển đủ. Trước bất cập trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo chỉ cần tuyển người tốt nghiệp lớp 12 trở lên, có sức khỏe tốt, được cho đi đào tạo là có thể được lái tàu. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu kỹ việc tuyển dụng, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, không hạ tiêu chuẩn lắt nhắt để gây mất tín nhiệm và chậm tiến độ. Chỉ nên công bố tuyển dụng nốt lần thứ 3, dứt điểm trong tháng 12. Đầu tháng 1/2014, phải đưa người đi đào tạo.
Mặt khác, về vấn đề thẻ vé tàu, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi chỉ rõ trên địa bàn Hà Nội còn nhiều dự án khác. TP ra khung chính sách chung, các thẻ vé phải đảm bảo tiêu chuẩn ISO quốc tế (không ứng dụng công nghệ Nhật C cho thẻ vé trong dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông như chủ đầu tư yêu cầu).
Tại hội nghị sau khi nghe ý kiến báo cáo thực tế từ các quận, các sở, ngành, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi thống nhất, đối với địa bàn quận Hà Đông, công tác GPMB phải cơ bản xong trong tháng 12/2013 (đường dẫn Depot, nghĩa trang); một phần còn lại xong trong tháng 1/2014. Đối với quận Đống Đa, đoạn đường cong với 60 phương án bàn giao tháng 1/2014; GPMB ga Cát Linh – La Thành hoàn thành trong tháng 2/2014; bố trí các ki-ốt tạm cho các hộ ở chợ Ngã Tư Sở xong trong tháng 1/2014.
Với quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch đồng ý phương án để 44 hộ dân tạm cư ngay trong tháng 1/2013; 19 hộ trong diện cắt xén giải quyết xong trước tết Nguyên đán. Riêng phần hần di chuyển công trình trạm bơm của Sở Xây dựng, đường cấp nước 500 dài gần 1km… kết thúc trong tháng 3/2014…
Đối với phần phương án kiến trúc ga Cát Linh, Phó Chủ tịch yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn chỉnh hồ sơ gửi cho Sở Quy hoạch Kiến trúc, duyệt xong trong ngày 20/12/2013. Sở Tài nguyên và môi trường, phải phê duyệt cắm mốc giới trước ngày 20/12. Mặt khác, chủ đầu tư phải bố trí 125 tỷ đồng trước ngày 20/12 cho quận Hà Đông GPMB.
Về mô hình công ty vận hành đường sắt ga Cát Linh – Hà Đông, UBND TP sẽ báo cáo thường trực Thành ủy Hà Nội trong tháng 12/2013 để sang tháng 1/2014 báo cáo lại Bộ Giao thông Vận tải. Chủ đầu tư phải chủ động kết nối các ngành và quận để đảm bảo tiến độ dự án.
Sau cuộc họp này, Văn phòng UBND TP sẽ ra thông báo báo cáo Văn phòng Chính phủ; chuẩn bị cho việc Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi thị sát thực địa dự án và họp giao ban về tình hình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông vào chiều ngày 13/12/2013.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường hoàn toàn thống nhất với những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi. Thứ trưởng chỉ lưu ý thêm với các quận, của Hà Nội nơi có dự án đi qua là tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ hoàn thành vào 31/12/2015. Nếu các đơn vị không cố gắng hoàn thành việc GPMB, dự án sẽ bị kéo dài, tăng chi phí. Việc thi công dự án dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 2/2014 nên cần TP bố trí tốt việc phân luồng giao thông, tránh ùn tắc.