Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Hà Nội: Đất “vàng” bỏ hoang sau thu hồi thì để làm gì?

Cập nhật: 23/09/2014 01:29

Với những dự án đất “vàng” bỏ hoang lâu năm, Sở TN & MT Hà Nội vừa lên phương án thu hồi. Nhưng số phận của những dự án đã thu hồi còn là một câu chuyện dài, nó sẽ rơi vào tay đại gia khác hay để xây trường học như đã hứa?

12 năm hoang phí mới bị thu hồi

Dự án xây dựng tháp BIDV Diamond (3.344m2) của chủ đầu tư là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội) khiến giới địa ốc xôn xao vì vừa bị Sở TN & MT Hà Nội công bố thu hồi. Dự án có vị trí đắc địa, nằm gần nhiều dự án lớn như: Tòa nhà Keangnam, khu Đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, tòa nhà Sông Đà nhưng 12 năm qua đã không được triển khai.

Những dự án nằm trên các khu đất vàng nhưng không được triển khai đang gây ra lãng phí lớn (Nguồn ảnh: Internet)

Danh sách dự án bị thu hồi cũng điểm tên các dự án: Tháp Doanh nhân của Tập đoàn Anh Quân Strong nằm trên khu đất rộng 1.370m2, tại số 1 đường Thanh Bình, quận Hà Đông; Castle Plaza với quy mô hơn 12 ha của một đại gia có tiếng (tại 136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội)...

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD 3 cho biết: “Hiện nay, các doanh nghiệp đang chạy đua vào những dự án “vàng” sắp bị thu hồi do Hà Nội không còn đất ở trung tâm. Tuy nhiên, không phải vị trí “vàng” nào cũng có tiềm năng phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh: “Vị trí đất “vàng” thường để xây các dự án hạng sang, nhưng nhu cầu người dân chủ yếu là những dự án thương mại giá rẻ. Sẽ có nhiều chủ đầu tư chết nếu cứ lao vào dự án đất vàng”.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, tất cả các dự án nằm trong diện thu hồi sẽ được bàn giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất Hà Nội. Các dự án bị thu hồi sẽ được sử dụng sao cho phù hợp với mục đích công cộng, như: Xây dựng trường học, nhà trẻ, bãi đỗ xe... phù hợp với quy hoạch của TP.

"Các khu đất bị thu hồi sẽ phải đấu thầu trong trường hợp giao cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh khai thác, tránh những trường hợp chuyển nhượng mập mờ, khiến dư luận nghi ngờ. Ngoài ra, trước khi đấu thầu, chủ đầu tư phải ký quỹ. Ví dụ: Một dự án 1 ha ký quỹ bằng 10% tổng mức đầu tư dự án. Nếu chủ đầu tư không triển khai dự án sẽ mất số tiền này", ông Nghĩa cho biết.

Năng lực pháp luật của doanh nghiệp yếu kém

Trong danh sách “đen” các dự án bị thu hồi, thực tế số lượng bị thu hồi rất ít. Để giữ đất, nhiều dự án BĐS thi công dở dang để giữ đất.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN & MT, ông Đặng Hùng Võ cho rằng: “Cơ quan chức năng giao đất rồi coi như xong một việc. Nếu không có ai kêu ca thì các dự án đó cũng không được để ý tới. Đặc biệt là những dự án thi công dở dang rồi bỏ hoang nhiều năm mà cơ quan chức năng không biết”.

Nhiều nhà đầu tư chỉ muốn lấy càng nhiều đất càng tốt để dự trữ. Hệ thống pháp luật khung đang khuyến khích đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng cơ chế nhiều thành phố là giao đất cho nhà đầu tư đã được chỉ định. Việc xin cho dự án rồi bỏ hoang giữ đất đang có sự tiếp tay của chính cơ quan chức năng nhà nước”, ông Võ nói.

Sau 12 tháng không sử dụng đất hoặc 24 tháng không đúng tiến độ, các dự án cũng sẽ bị thu hồi theo quy định của pháp luật. Pháp luật quy định cụ thể từng trường hợp nào đáng được gia hạn trong Nghị định 84 (2007) của Chính phủ.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất tạm dừng triển khai các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị chưa giải phóng mặt bằng, hoặc giải phóng mới đạt 30% diện tích tại các địa phương trên cả nước để giải quyết tình trạng bỏ hoang tại nhiều dự án.

Các địa phương cũng phải chủ động đưa ra các phương án giải quyết đối với những dự án giải phóng mặt bằng dưới 70% diện tích.

(Theo Tiền phong)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM