Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Hà Nội: Hơn 100 hộ dân mất nhà vì đường... cánh cung

Cập nhật: 25/04/2014 09:48

Thay vì chọn phương án chạy thẳng qua khu đất nông nghiệp, quy hoạch Đoạn đường nối từ Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng, Q.Long Biên (Hà Nội) lại “nắn” đường thành hình cánh cung, “liếm” sâu vào khu dân cư khiến hơn 100 hộ dân mất nhà. Một dự án chỉ hơn 1,5km nhưng có mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.

Người dân bức xúc, còn chính quyền quận - chủ đầu tư dự án cho rằng quận làm theo quy hoạch.

Quy hoạch... cánh cung

"Phải chăng khu đất nông nghiệp nói trên đã được chính quyền bán cho người khác, sau khi đường hoàn thành sẽ là những khu đất mặt đường có giá đắt đỏ?"

Một người dân giấu tên đặt nghi vấn khi quy hoạch đường không hướng ra khu đất nông nghiệp mà “liếm” sâu vào khu dân cư.

Theo quyết định phê duyệt dự án của UBND TP Hà Nội, điểm đầu tuyến đường này giao với đường Nguyễn Văn Cừ, điểm cuối nối với tuyến đường từ Ngọc Thụy đi qua khu đô thị mới Thạch Bàn. Mới đây, khi dự án chuẩn bị giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Văn Lực (P.Bồ Đề, Q.Long Biên) thay mặt hơn 60 hộ dân ở phường này gửi đơn tới các cơ quan chức năng cho rằng quyết định phê duyệt dự án đã khiến hơn 100 hộ dân ở tổ 14, 15, 16 (P. Bồ Đề) bị mất nhà cửa.

Theo ông Lực, người dân nghi ngờ có khuất tất, khi chỉ giới phía trong của đường được cắm hai năm trước - vốn nằm ở mép đường bêtông của làng, hiện nay đã được “bê” nguyên dịch chuyển tịnh tiến vào sâu phía trong khu dân cư tới 35m. Đoạn gần cuối của tuyến đường này đã bị nắn cong thành hình cánh cung với chiều dài khoảng 300m, quét qua nhà hơn 100 hộ dân.

Ông Nguyễn Tiến Hiển (tổ 14, P.Bồ Đề) cho rằng điều khó hiểu nhất là tuyến đường này được quy hoạch nằm sát khu đất nông nghiệp, nhưng đơn vị làm quy hoạch không lựa chọn khu này làm đường mà “vẽ” tuyến đường theo hình cánh cung, ăn sâu vào khu vực dân cư. Còn nhiều người dân cho rằng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của dự án lên tới 481 tỉ đồng là rất lớn. Nếu điều chỉnh quy hoạch hướng ra phía cánh đồng sẽ tránh được việc đi qua nhà hơn 100 hộ dân, giảm tối đa chi phí đền bù.

Sơ đồ đoạn đường cánh cung ở quận Long Biên, Hà Nội - Đồ họa: Vĩ Cường

Ngoài việc cho rằng quy hoạch bất hợp lý, đại diện các hộ dân còn phản ảnh kiến nghị của họ không được chính quyền phản hồi. Cụ thể, từ tháng 1 năm nay, sau cuộc họp do UBND P.Bồ Đề tổ chức, người dân đã kiến nghị hàng loạt vấn đề, trong đó có bày tỏ mong muốn điều chỉnh lại thiết kế tuyến đường hướng ra phía cánh đồng, tránh nhà họ. Tuy nhiên, đến nay người dân chưa hề nhận được phản hồi. Ngày 14/3, sau khi nhận phản ảnh của người dân, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề nghị TP xem xét, giải quyết và thông báo cho đơn vị này biết kết quả nhằm hồi đáp cho người dân. Tuy nhiên, theo đại diện các hộ dân, hiện nay người dân chưa hề nhận được hồi âm nào, trong khi việc đo đạc, kiểm đếm tài sản, triển khai dự án vẫn được Q.Long Biên thực hiện khiến người dân vô cùng bức xúc.

Quận chỉ biết làm theo quy hoạch...

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang - chủ tịch UBND P.Bồ Đề, trong các lần họp do phường tổ chức, người dân bày tỏ rất nhiều tâm tư, nguyện vọng nhưng phường chỉ dừng lại ở việc tiếp thu, còn thẩm quyền trả lời là của ban bồi thường giải phóng mặt bằng, ban quản lý dự án và lãnh đạo quận. Liên quan tới việc quy hoạch “nắn” đường thành hình cánh cung khiến nhiều hộ dân bị mất nhà, ông Quang nói rằng việc đó thẩm quyền thuộc UBND Q.Long Biên.

Còn ông Đỗ Huy Chiến - phó chủ tịch UBND Q.Long Biên - cho rằng quận thực hiện dự án theo quy hoạch được TP phê duyệt từ trước đó. “Dự án được thực hiện theo quy hoạch, trình tự xây dựng và tổ chức thực hiện đúng quy trình, giải phóng mặt bằng theo quy định. Hiện nay dự án đã đủ điều kiện thực hiện”- ông Chiến nói.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao không điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng lấy đất phía cánh đồng làm đường để tránh việc người dân mất nhà, ông Chiến nói: “Quận làm hoàn toàn đúng quy hoạch, đúng trình tự. Công dân chỉ nhìn thấy chỗ đó là đất trống tại sao không hướng đường vào đấy, điều đó không phải. Chuyện thực hiện dự án không ai đặt vấn đề thực hiện ở đất trống hay không trống mà phải đúng quy hoạch”.

Về ý kiến cho rằng nếu quy hoạch “nắn” lại đường thẳng sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng hơn, ông Chiến nói: “Chả hiểu các ông ấy thế nào, đường chúng tôi tương đối thẳng chứ có cong đâu. Tất cả việc đó người ta đã tính toán hết rồi, chứ các ông cứ đưa ra ý kiến làm gì”.

Theo ông Chiến, dù một số người dân chưa đồng ý nhưng trong tháng 6 tới quận vẫn sẽ phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng và chi trả tiền bồi thường cho dân để giải phóng mặt bằng.

Cần xem lại quá trình lập quy hoạch

Đó là nhận định của GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, sau khi nghe nói về dự án trên.

“Phải đặt vấn đề tại sao hiện nay người dân phản đối gay gắt dự án, thậm chí đưa đơn lên tận Chính phủ. Như vậy cần phải xem lại quá trình lập quy hoạch có thiếu sót hay không, cả phần quy hoạch đô thị lẫn quy hoạch sử dụng đất. Các quá trình đó có được lấy ý kiến và được sự đồng thuận của người dân hay không? Với tất cả quy hoạch, người dân có quyền được biết thông tin và đóng góp ý kiến. Nếu thiếu điều đó thì quy hoạch không hợp pháp và cần phải xem lại, thậm chí dự án theo quy hoạch buộc phải dừng” - ông Võ phân tích.

Ngoài ra theo ông Võ, phương án mở đường theo hướng này hướng kia, việc bồi thường giải phóng mặt bằng bao nhiêu... chính quyền cần phải công khai. Khi đó người dân có quyền so sánh để biết phương án nào là tốt cho cả dự án lẫn người dân hơn.

Đại diện Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội: Đường cong từ khi quy hoạch

Chiều 23/4, đại diện Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội khẳng định quy hoạch tuyến đường trên không hề có việc “nắn” cong. Theo vị đại diện này, thông tin ban đầu sở xác định quy hoạch tuyến đường nói trên đã được xác định từ quy hoạch chung thủ đô được Thủ tướng phê duyệt từ năm 1998, sau đó tiếp tục được khẳng định trong quy hoạch chung thủ đô được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011. Ngoài ra, trong quy hoạch chi tiết quận Long Biên năm 2005 và quy hoạch giao thông vận tải năm 2008 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều thể hiện tuyến đường cong như trên. Bản quy hoạch về tuyến đường có tính kế thừa, thống nhất, ổn định và không có chuyện “nắn” cong.

Trước đó cách đây gần một tuần, theo yêu cầu của lãnh đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, chúng tôi đã gửi văn bản nêu hàng loạt câu hỏi thắc mắc xung quanh việc quy hoạch tuyến đường này. Và đại diện sở này hẹn trả lời chúng tôi vào chiều 23/4. Tuy nhiên, vị này chỉ trả lời chung chung như trên và tiếp tục hẹn sẽ trả lời chi tiết cho Tuổi Trẻ bằng văn bản sau.

(Theo TTO)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM