Tại cuộc họp giao ban với các quận, huyện, thị xã diễn ra đầu tháng 11, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội chỉ đạo: Tất cả các thửa đất đủ điều kiện đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
=> Tp.HCM: Đẩy nhanh công tác cấp sổ đỏ để đảm bảo kế hoạch năm 2013
=> Cả nước đã cấp được 38,9 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Người dân mong muốn sớm được cấp giấy chứng nhận tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Thúy Nga
Để đạt mục tiêu năm 2013, hoàn thành cơ bản cấp giấy chứng nhận lần đầu (đạt trên 85% diện tích các loại đất), ngay từ đầu năm, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo khá quyết liệt, bằng nhiều giải pháp: Giao chỉ tiêu cụ thể đến từng xã, phường, thị trấn và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, họp giao ban định kỳ để nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, không để ách tắc kéo dài. Tính đến ngày 31-10, các quận, huyện, thị xã đã cấp được 56.879 giấy chứng nhận QSDĐ ở lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Một số địa phương có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận vượt chỉ tiêu giao là các quận: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông...
Để đạt kết quả cao, trước hết các địa phương đã thúc đẩy tiến độ cấp giấy chứng nhận, phối hợp với UBND cấp xã chủ động tổ chức cho người sử dụng đất kê khai đăng ký đất đai, mà không thụ động chờ người sử dụng đất đến làm thủ tục đăng ký như trước đây. Việc xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng của cấp huyện được thực hiện lồng ghép, đồng thời với quá trình thẩm tra, xét duyệt của cấp xã, bảo đảm thời gian theo đúng quy định. Các cơ quan chuyên môn ở cơ sở đã thay đổi tư duy từ ngồi chờ người dân tới xin đăng ký đến việc phải chủ động thông báo, tổ chức cấp giấy chứng nhận cho người dân có nhu cầu. Bên cạnh đó, công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu ở một số địa phương vẫn vướng mắc, nguyên nhân do nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền…; có trường hợp người sử dụng đất ngại không đăng ký QSDĐ lần đầu do phải xác định hạn mức công nhận đất ở.
Đối với các dự án phát triển nhà ở, trên địa bàn có tổng số 223 dự án được thành phố giao đất, với 216.580 căn (chung cư và thấp tầng). Trong đó, đã có 112.150 căn đã xây dựng xong và bàn giao, thành phố đã cấp được 31.800 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, còn lại 80.350 căn hộ chưa được cấp. Nguyên nhân việc cấp giấy chứng nhận tại các dự án nhà ở đạt thấp là do tình trạng các chủ đầu tư vi phạm về quy hoạch, thiết kế xây dựng, chủ đầu tư không chịu thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, hoặc chậm trễ trong việc nộp hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà…
Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị kiểm điểm việc thực hiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 4-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 22-8-2013 của Văn phòng Chính phủ, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố quyết định thành lập tổ công tác liên ngành để tháo gỡ khó khăn trong công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà. Song song với kiểm tra, xử lý các chủ đầu tư vi phạm về pháp luật đất đai, pháp luật về xây dựng, Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án theo quy định hiện hành.
Trong vòng hai năm qua có tới hai nghị quyết của Quốc hội, hai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn; Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn đủ để thấy tầm quan trọng của công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với đời sống dân sinh. Việc cấp giấy chứng nhận trong năm 2013 được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài nguyên - môi trường, do vậy, các quận, huyện, thị xã cần quyết tâm hoàn thành cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận và đã liên hệ để kê khai đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu. Trong trường hợp còn những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, kịp thời có văn bản xin ý kiến UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên - Môi trường để xem xét giải quyết. Với các quận, huyện, thị xã còn quá nhiều vướng mắc, tổ công tác Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội xuống tận cơ sở giải quyết dứt điểm những tồn tại ngay tại chỗ...
(Theo HNM)