Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Hàng trăm nghìn sổ đỏ nợ đọng: Giải pháp nào tháo gỡ?

Cập nhật: 12/08/2014 19:40

Hàng trăm nghìn sổ đỏ nợ đọng ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM đang gây khó khăn cho người dân. Chính quyền tại 2 thành phố này đang áp dụng cơ chế thông thoáng, cho phép người dân tự đi nộp hồ sơ, không cần thông qua chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài chúng ta phải quyết liệt cải cách hành chính, xây dựng hệ thống luật với những quy định, chế tài chặt chẽ để ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà của cơ quan chức năng, tránh được tình trạng chủ đầu tư “đem con bỏ chợ".

Cấp thẳng sổ đỏ, sổ hồng cho người dân

Suốt thời gian dài, việc thực hiện cấp sổ đỏ, sổ hồng cho người mua nhà lâm vào bế tắc do vướng mắc về cơ chế chính sách. Tình trạng vi phạm của chủ đầu tư diễn ra tại nhiều dự án. Các hình thức vi phạm chủ yếu là chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai nhưng đã xây dựng và bán nhà ở; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai; xây dựng không đúng giấy phép hoặc không đúng thiết kế đã được duyệt; phân lô, bán nền không đúng quy định...

Trước khi có Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 22/8/2013 của Văn phòng Chính phủ về công tác cấp giấy chứng nhận, các dự án phát triển nhà ở có vi phạm của chủ đầu tư đều không thể cấp giấy chứng nhận, phải chờ xử lý xong sai phạm mới triển khai cấp. Thông báo 327 đã tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án theo nguyên tắc ưu tiên đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người mua nhà. Theo đó, các trường hợp người mua nhà đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với chủ đầu tư sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận, việc xử lý vi phạm của chủ đầu tư có thể thực hiện sau.

Đến cuối tháng 7/2014, trên địa bàn Tp.HCM vẫn còn tồn tại đến 130.000 nhà, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có gần 50.000 căn hộ tại các khu đô thị mới chưa được cấp sổ đỏ, sổ hồng. Bên cạnh đó, nhà đất thuộc diện mua bán giấy tay trước ngày 1/7/2014 (thời điểm Nghị định 43 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2013 có hiệu lực) chưa được cấp sổ còn hơn 23,9 nghìn trường hợp; nhà đất lấn chiếm, không phù hợp quy hoạch hơn 19,9 nghìn trường hợp; nhà đất chuyển mục đích sử dụng trái phép không phù hợp quy hoạch có hơn 14,2 nghìn trường hợp; nhà đất vi phạm Luật Đất đai chiếm hơn 7,8 nghìn trường hợp... Vì vậy, việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc để cấp chứng nhận cho số lượng nhà, đất khổng lồ này của người dân là bài toán khó với Tp.HCM.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép gỡ vướng bằng các giải pháp như: cấp giấy chứng nhận với nhà đất mua bán, chuyển nhượng bằng giấy tay trước ngày 1/7/2004; cấp giấy chứng nhận với những trường hợp nhà đất không có giấy tờ hợp lệ đã chuyển nhượng, mua bán bằng giấy tay từ ngày 1/7/2014 đến ngày 1/1/2008, hiện đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp hoặc vướng quy hoạch nhưng phải kèm theo yêu cầu người xin cấp chứng nhận phải cam kết chịu trách nhiệm về những thông tin kê khai và tranh chấp khiếu nại phát sinh. Trường hợp đất đủ điều kiện cấp chứng nhận nhưng nhà không đủ điều kiện cũng được cấp chứng nhận quyền sử dụng riêng với đất.

Việc triển khai cấp sổ đỏ trực tiếp cho người dân đã giúp đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận tại các khu đô thị.

Ông Nguyễn Hữu Tín khẳng định, với những trường hợp cấp giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của thành phố như: nhà đất thuộc diện được bố trí tái định cư, nhà đất là suất tái định cư mua bán, chuyển nhượng trước ngày 1/7/2004; nhà đất trong các khu phân lô tự phát, đất nằm trong các khu quy hoạch chức năng... Tp.HCM cũng đã chỉ đạo các quận, huyện xem xét cấp chứng nhận ngay để giải quyết dứt điểm tồn đọng trong việc cấp giấy chứng nhận...

Ông Lê Tuấn Định, Giám đốc Văn phòng Đăng kí Đất đai Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, trước đây, chủ đầu tư có trách nhiệm nộp hồ sơ, làm thủ tục cấp sổ đỏ cho dân, nay người mua nhà được nộp thẳng hồ sơ, không cần qua chủ đầu tư. Tuy nhiên, để có thể tự nộp hồ sơ thì người dân cần có biên bản thanh lý hợp đồng hoặc hóa đơn đỏ nhưng tại nhiều dự án, chủ đầu tư gây khó cho dân bằng cách không xuất hóa đơn, không thanh lý hợp đồng. Từ khi cho phép người dân nộp thẳng hồ sơ đến nay, Văn phòng Đăng kí Đất đai Hà Nội đã nhận được khoảng 15.000 hồ sơ, đã triển khai cấp giấy cho gần 10.000 hồ sơ.

Song song với việc tạo điều kiện cấp sổ đỏ cho dân, các sai phạm của chủ đầu tư cũng bị xử lý. Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, từ năm 2006 tới nay, sở đã tiến hành thu hồi đất của 54 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó có 12 dự án nhà ở với tổng diện tích là 1.748 ha. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, từ năm 2011 đến cuối tháng 9/2013, có 10/24 quận, huyện đã xử lý 186 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở với tổng số tiền phạt trên 1 tỷ đồng.

Hà Nội sẽ cấp 40.000 sổ đỏ cho người mua nhà trong năm 2014

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong năm 2014, Hà Nội sẽ cấp 40.000 sổ đỏ cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở. Ông Định cũng thừa nhận, quy trình cấp sổ đỏ hiện nay trải qua rất nhiều khâu khiến cho thời gian kéo dài, người dân mệt mỏi vì thủ tục hành chính. Theo quy định hiện nay, để được cấp sổ đỏ, chủ đầu tư hoặc người dân nộp hồ sơ về Văn phòng Đăng kí Đất đai thành phố. Khi văn phòng thẩm định xong sẽ chuyển hồ sơ về các quận, huyện để trình lãnh đạo quận, huyện ký rồi chuyển lại hồ sơ về văn phòng để trả giấy chứng nhận cho chủ đầu tư hoặc người dân.

Đứng ở góc độ chuyên gia, GS.Đặng Hùng Võ cho rằng, việc cấp thẳng sổ đỏ cho người mua nhà là chính sách hoàn toàn hợp lý. “Trước giờ, quy định của pháp luật vẫn giao chủ đầu tư phải đi làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà, nhưng đó không phải là quyền lợi của chủ đầu tư nên họ không nhiệt tình, chưa kể bản thân chủ đầu tư lại có những sai phạm. Cần phải tách biệt mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước – chủ đầu tư – người mua nhà. Khi người dân đã có biên bản bàn giao nhà thì mang hồ sơ lên, cơ quan quản lý Nhà nước phải cấp giấy, còn chủ đầu tư vi phạm thì cứ phạt”, GS. Đặng Võ Hùng nhấn mạnh.

Không giao đất cho các chủ đầu tư cố tình chây ì

Ngày 30/7, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã có Văn bản số 5638/UBND-TNMT giao Sở TN&MT Hà Nội chủ trì cùng các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, ngay trong tháng 8 phải mời chủ đầu tư các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở đến làm việc để kiểm tra, xử lý những khó khăn vướng mắc, kịp thời cấp giấy chứng nhận. Sau khi tổ chức làm việc với các đơn vị, sở tiếp tục ra thông báo gửi các chủ đầu tư yêu cầu sớm nộp đầy đủ hồ sơ phục vụ cho việc triển khai cấp giấy chứng nhận. Sau thời hạn 15 ngày, nếu chủ đầu tư chưa thực hiện thì sở ra văn bản đôn đốc. Sau 5 ngày kể từ khi có văn bản đôn đốc, nếu chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện thì Sở lập danh sách, báo cáo UBND thành phố. Với các chủ đầu tư cố tình chây ì này, thành phố sẽ không giao đất, cho thuê đất ở các dự án khác, theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Sẽ xử phạt nặng với chủ đầu tư nợ sổ đỏ

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Sắp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng thanh tra 55 dự án. Trên cơ sở đó sẽ có phương án xử lý thích đáng, nghiêm khắc, xử phạt hành chính thật nặng đối với trường hợp chủ đầu tư chây ì, nợ sổ đỏ”.

(Theo CAND) 
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM