Trước tình hình đô thị phát triển ồ ạt như hiện nay, yêu cầu về một đô thị phát triển bền vững, song vẫn đảm bảo các vấn đề môi trường, tài nguyên, giao thông và chất lượng cuộc sống người dân ngày càng trở nên bức thiết.
Nhất là với tình hình thế giới hiện nay, số lượng đô thị, dân cư đô thị đang ngày càng tăng nhanh. Trước những thách thức chung của toàn cầu về điều kiện khí hậu, tài nguyên môi trường đang dần cạn kiệt, quỹ đất hạn hẹp, giải pháp xây dựng đô thị thông minh, thân thiện với môi trường đang là xu hướng được nhiều quốc gia hướng tới.
Sự cấp thiết của một đô thị xanh
Theo đánh giá của các chuyên gia, với tốc độ đô thị hóa nhanh trong vài chục năm trở lại đây đã biến diện tích Trái đất thành chuỗi các đô thị. Điều này giúp thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, đây cũng là lý do khiến đô thị và người dân đô thị phải đối mặt với rất nhiều những mối đe dọa, nhất là tình trạng môi trường bị ô nhiễm, không gian sống chật hẹp. Nhiều quốc gia đã thừa nhận rất muốn mở rộng không gian, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, song bị hạn chế bởi quỹ đất. Thậm chí, tình trạng thiếu nước sạch, năng lượng ở các thành phố, đô thị lớn thường xuyên xảy ra. Chưa kể đến các vấn đề giao thông di chuyển cũng như tác động từ khí thải, tiếng ồn. Bản thân người dân, các cơ quan quản lý đã và đang nhận thấy bị uy hiếp ngày càng lớn bởi hình ảnh đô thị màu xám, thiếu dưỡng khí để thở.
Phát triển cây xanh tại các khu đô thị sẽ giúp môi trường trong sạch hơn
Ông Budiarsa Sastrawinata - Chủ tịch Hiệp hội phát triển đô thị quốc tế INTA cho rằng: "Thế giới càng văn minh thì con người càng khao khát hướng tới sự chuẩn mực của một đô thị hoàn hảo, đa dạng, linh hoạt kết hợp. Phát triển đô thị bền vững, hài hòa trong mối quan hệ tương quan môi trường, giao thông và con người là hướng đi cần được nghiên cứu kỹ cũng như áp dụng trong thực tiễn. Nói cách khác, đô thị sinh thái kết hợp con người và thiên nhiên là điểm sáng đáng chú ý".
Đô thị xanh đa kết hợp
Trước những thách thức chung của toàn cầu về điều kiện khí hậu, tài nguyên môi trường đang dần cạn kiệt và quỹ đất hạn hẹp, những giải pháp chú trọng đến vấn đề đô thị đa dạng sự kết hợp, thông minh nhưng thân thiện với môi trường đã được đưa ra. Đặc biệt, việc thiết kế các đô thị loại này còn được chú trọng để vận dụng được tối đa công năng sử dụng, hạn chế năng lượng tài nguyên tiêu thụ. Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động điều hành quản lý của đô thị và kêu gọi sự tham gia của người dân, để mô hình phát triển các đô thị được phát huy hiệu quả tối đa.
Cụ thể, giải pháp thiết kế quy hoạch và kiến trúc cho các đô thị cần được xây dựng theo kiểu đan xen giữa các khu vực tập trung những công trình kiến trúc hiện đại, với giao thông chính và các dịch vụ xã hội (như khách sạn, siêu thị, trường học, bệnh viện…) để mang lại sự thuận lợi cho nhiều người và hạn chế việc di chuyển. Đặc biệt, với quỹ đất hẹp, ông Christophe Lamontre - Quản lý bất động sản & Tài sản, Quản lý dự án và đô thị RATP/VAL/Vad Pháp đưa ra giải pháp mô hình đô thị kết cấu xếp chồng tầng, phát triển chiều cao. Dạng mô hình trung tâm xe buýt Time Way số 7 ở giữa thành phố Paris với tầng hầm là trạm dừng đỗ, trung chuyển xe buýt, metro tàu điện ngầm. Tầng trên là trung tâm thương mại, văn phòng công ty, khu vui chơi giải trí, và các hệ thống nhà ở xã hội. Nhờ đó chất lượng đời sống của người dân được nâng cao mà không phải di chuyển quá xa cũng như dùng đến phương tiện cá nhân. Công trình tiết kiệm được diện tích, hạn chế chiếm dụng khoảng không gian xanh.
Không chỉ dừng lại ở việc quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông để đô thị thân thiện với với con người và môi trường. Các chuyên gia còn đưa ra phương án xây dựng kiến trúc nguồn năng lượng, cũng như tận dụng được tối đa nguồn năng lượng tự nhiên. Nhờ đó giúp đô thị hạn chế được chất thải gây hiệu ứng nhà kính, góp phần hạn chế tác động đến biến đổi khí hậu.
Ông Taichi Goto - Giám đốc Công ty GFDC, Nhật Bản đề xuất muốn xây dựng một thị trấn được thiết kế hài hòa với môi trường và công nghiệp nên bắt buộc việc quy hoạch mỗi khu đô thị phải sử dụng 40% diện tích để trồng cây xanh. Đồng thời giảm thải các phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân đi bộ, xe đạp và dùng phương tiện giao thông công cộng, để không gian xanh được đảm bảo, môi trường sống trong lành. Tạo nhiều khoảng không gian xanh ngay trong các tòa nhà đồng thời khuyến khích các nhà thiết kế, chủ đầu tư áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường cho tòa nhà của mình. Như sử dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng, năng lượng thiên nhiên nắng, gió để tạo hơi nóng, khí lạnh. Kêu gọi mọi hoạt động giảm thải CO2, tăng cường tái chế chất thải... Nếu các đô thị được quy hoạch xây dựng theo hướng xanh đa kết hợp như trên sẽ phát triển bền vững và thịnh vượng".
"Thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có quá trình đô thị hóa nhanh. Hiện cả nước có 765 đô thị, đạt tỷ lệ 32,45%. Việc phát triển đô thị nhanh tại Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở cho người dân… Đa số các thành phố lớn và khu công nghiệp lớn đều tập trung ở vùng đồng bằng trũng thấp, khu vực ven biển. Đây là những khu vực rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra. Vì vậy, xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong đó, các giải pháp phát triển đô thị hóa bền vững như: Quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch; xây dựng hạ tầng kỹ thuật; xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái và công trình xanh đã và đang được triển khai." - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.
(Theo KTĐT)