Sau 4 ngày xét xử, chiều ngày 12/6, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại dự án giãn dân phố cổ Hà Nội.
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên án tù chung thân đối với hai bị cáo Trần Ứng Thanh (67 tuổi, nguyên Tổng giám đốc công ty Hồng Hà) và Nguyễn Đức Thắng (64 tuổi) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Đức Lợi (59 tuổi nguyên tổng giám đốc công ty Hà Nội) lãnh án 18 năm tù, Nguyễn Quốc Xương (59 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc công ty Hồng Hà) lãnh 13 năm tù. HĐXX cũng tuyên các bị cáo phải trả lại hơn 130 tỉ đồng cho các bị hại trong vụ án.
Các bị cáo nghe tuyên án chiều ngày 12/6
“Biếu quà” nhận dự án?
Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Gia Lâm, TP. Hà Nội) nằm trong các dự án thuộc “Đề án giãn dân phố cổ” do UBND quận Hoàn Kiếm cùng đơn vị tư vấn soạn thảo.
Tháng 8/2012, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua và giao cho UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai cơ chế đặc thù, được chỉ định nhà thầu ứng vốn xây dựng và được thi công khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ.
Sau đó, UBND TP. Hà Nội có công văn giao cho UBND quận Hoàn Kiếm là chủ đầu tư dự án giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng.
Thông qua các mối quan hệ, Nguyễn Đức Thắng đã môi giới cho Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Hà Nội làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm để được thực hiện dự án xây dựng căn hộ phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng. UBND quận Hoàn Kiếm đã có công văn chấp thuận cho công ty Hà Nội được bỏ toàn bộ kinh phí và chuẩn bị xây dựng dự án. Sau đó, Nguyễn Đức Thắng tiếp tục môi giới cho UBND quận Hoàn Kiếm để Trần Ứng Thanh (giám đốc công ty Hồng Hà) được thực hiện dự án.
Thắng và Thanh đã thỏa thuận với nhau, nếu UBND quận Hoàn Kiếm đồng ý chuyển nhà đầu tư dự án từ công ty Hà Nội sang công ty Hồng Hà thì Trần Ứng Thanh sẽ đồng ý chi 7% tổng mức đầu tư dự án (khoảng 280 tỉ đồng). Trong 7% này, Thắng và công ty Hà Nội được hưởng 2%. Còn 5% Thắng và Thanh sẽ dùng để đi quan hệ để công ty Hồng Hà được thi công toàn bộ dự án và hưởng các ưu đãi từ dự án.
Thực hiện thỏa thuận trên, công ty Hà Nội đã có công văn gửi UBND quận Hoàn Kiếm với nội dung đây là dự án lớn, công ty Hà Nội chưa có kinh nghiệm nên đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm thay đổi quyết định, giao cho công ty Hồng Hà thực hiện dự án giãn dân. Sau đó, công ty Hồng Hà được UBND quận Hoàn Kiếm giao cho thực hiện dự án.
Cáo trạng xác định mặc dù chỉ được UBND quận Hoàn Kiếm giao nghiên cứu “Đề án giãn dân phố cổ” nhưng công ty Hồng Hà và công ty Hà Nội đã sử dụng các văn bản do UBND quận ban hành để ký hợp đồng mua bán căn hộ, ký hợp đồng góp vốn, nhận đặt cọc của 143 lượt khách hàng với tổng số tiền gần 170 tỷ đồng. Hiện Công ty Hà Nội và Công ty Hồng Hà mới chỉ trả được cho khách hàng hơn 33 tỷ đồng. Số tiền còn lại các bị cáo đã chiếm đoạt và không có khả năng chi trả.
Tại cơ quan điều tra, Trần Ứng Thanh khai toàn bộ số tiền thu được của người dân đã sử dụng vào việc làm quà biếu để được thực hiện dự án và hưởng một số ưu đãi từ việc thực hiện dự án. Tuy nhiên vì thời gian quá lâu và chi cho nhiều nơi nên Trần Ứng Thanh không nhớ chính xác là chi cho ai, ở đâu và số tiền là bao nhiêu.
Cáo trạng xác định bị can Nguyễn Quốc Xương đã kí nhận tạm ứng của khách hàng 1,4 tỉ đồng. Số tiền này Xương đã giao cho nhân viên sử dụng đi quan hệ để công ty Hồng Hà được thực hiện dự án, tuy nhiên Xương không giải trình được việc sử dụng số tiền này.
Chi tiền cho ai, không được làm rõ
Tại tòa, các khách hàng là bị hại trong vụ án đã yêu cầu tòa làm rõ việc các bị cáo dùng hàng trăm tỉ đồng đi quan hệ để được thực hiện dự án có phải là tiền hối lộ hay không, số tiền này được chi cho ai, như thế nào? Các hộ dân cũng yêu cầu tòa tuyên công ty Hồng Hà phải trả lại tiền cho họ, vì khi họ ký hợp đồng với công ty Hồng Hà chứ không kí với các bị cáo.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Xương khẳng định: “Ở cơ quan điều tra, chưa bao giờ tôi được hỏi số tiền 1,4 tỷ đã chi vào việc gì. Đến nay cáo trạng lại cho rằng số tiền ấy không được giải trình. Tôi hoàn toàn có thể cho biết được số tiền đó đi đâu về đâu”.
Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Đức Thắng cũng cho biết: “Bác Thanh (bị cáo Trần Ứng Thanh) nhờ cái gì tôi đều làm, nhờ tôi mang tiền đến địa chỉ a, địa chỉ b, tôi đều mang đến. Ví dụ đến trụ sở UBND quận, có người nhận, khi về tôi đã báo với bác Thanh là số tiền đã chuyển đi rồi”.
Tuy nhiên, yêu cầu của người dân về việc làm rõ số tiền mà các bị cáo dùng để “chạy” dự án, đưa cho ai đã không được đề cập trong bản án.
Khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm xảy ra tại UBND quận Hoàn Kiếm
Quá trình điều tra vụ việc, UBND quận Hoàn Kiếm đã có công văn gửi cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội với nội dung dự án giãn dân phố cổ chưa có tiền lệ, UBND quận Hoàn Kiếm còn thiếu kinh nghiệm trong việc kiểm soát văn bản nên nội dung và thể thức của các văn bản giao dự án còn thiếu chính xác về câu chữ. Điều này dẫn đến việc công ty Hồng Hà và công ty Hà Nội sử dụng các văn bản này để đăng tin rao bán các căn hộ trong dự án.
Đối với các cán bộ UBND quận Hoàn Kiếm đã soạn thảo, kí ban hành các văn bản, quyết định không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của pháp luật dẫn dến việc hai công ty sử dụng các văn bản này để chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã tách hồ sơ vụ án liên quan đến các sai phạm này để điều tra xử lý sau.
Phần tranh luận tại tòa ngày 11/6, một số luật sư cho rằng đại diện VKS đã hoàn toàn né tránh, không đưa ra ý kiến về vai trò của UBND quận Hoàn Kiếm trong vụ án, các luật sư đề nghị VKS xem xét trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, VKS không đối đáp lại.
Tại phiên tòa ngày 12/6, HĐXX cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại UBND quận Hoàn Kiếm.
(Theo TTO/VTV)