Theo Nghị định mới của Chính phủ, từ ngày 30/11/2013, nhà xây sai phép, không phép sẽ được tồn tại sau khi hoàn thành nộp phạt theo quy định.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/CP thay thế Nghị định 23/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng... Một trong những nội dung đáng chú ý của nghị định mới này là từ sau ngày 30-11-2013, nhà, công trình xây dựng sai trép, không phép sẽ được tồn tại sau khi thực hiện xong việc đóng phạt theo quy định.
Phạt tối đa 1 tỉ đồng
Theo Nghị định 121/CP, hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai giấy phép được cấp trong trường hợp cấp phép sửa chữa, cải tạo sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với nhà ở riêng lẻ ở đô thị; từ 20-30 triệu đồng đối với công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép được cấp mới sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng đối với nhà ở riêng lẻ ở nông thôn; từ 10-20 triệu đồng đối nhà ở riêng lẻ ở đô thị và từ 30-50 triệu đồng đối công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Tháo dỡ nhà xây không phép ở huyện Bình Chánh, Tp.HCM
Riêng hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, Nghị định 121/CP quy định mức phạt từ 3-5 triệu đồng đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn; từ 10-15 triệu đồng đối với nhà ở riêng lẻ ở đô thị và từ 30-50 triệu đồng đối với công trình thuộc trường hợp phải báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình...
Tuy nhiên, nếu sau khi có biên bản vi phạm hành chính của người có thẩm quyền mà chủ công trình vẫn tái phạm thì tùy theo mức độ vi phạm, quy mô công trình vi phạm, chủ công trình sẽ bị xử phạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng.
Muốn tồn tại phải phù hợp quy hoạch
Điểm đặc biệt của Nghị định 121 nằm tại khoản 9 - điều 13, quy định rõ những hành vi vi phạm như nêu trên nếu không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì được phép hợp thức hóa để tồn tại sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp phạt.
Cụ thể, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, chủ đầu tư xây dựng nhà, công trình sai phép, không phép sẽ bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được. Số lợi bất hợp pháp này được tính bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Theo giải thích của đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng, việc quy định nộp tiền để được tồn tại các công trình trái phép này xuất phát từ thực tế ở nhiều nơi, đặc biệt ở Hà Nội và Tp.HCM, khi xuất hiện những công trình xây dựng vi phạm nhưng cơ quan chức năng không thể tháo dỡ vì nhiều lý do. Trong khi chủ đầu tư chây ì thì cơ quan nhà nước cũng không xử phạt, không thu được khoản tiền nào.
Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 121, trong đó hướng dẫn cụ thể về cách tính toán tỉ lệ 40%-50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép để các địa phương có cơ sở xử lý. Thông tư này sẽ được ban hành trước ngày 30-11, thời điểm Nghị định 121 có hiệu lực. Điều kiện tiên quyết để áp dụng điều này, theo Thanh tra Bộ Xây dựng, công trình xây dựng trái phép phải phù hợp với quy hoạch. Những trường hợp vi phạm trước ngày 30-11 sẽ không được áp dụng.
Phạt nặng nhà chung cư mở vũ trường, nhà hàng Một số nội dung xử phạt khác đáng chú ý ở Nghị định 121/CP, đó là hành vi giao dịch về nhà ở vi phạm lỗi cho mượn, ủy quyền quản lý nhà ở hoặc cho thuê nhà ở mà không lập hợp đồng theo quy định, không thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng về nhà ở theo quy định sẽ bị phạt từ 2-4 triệu đồng. Ngoài ra, các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư như kinh doanh nhà hàng, karaoke, vũ trường… bị phạt tiền từ 50-60 triệu đồng. |