Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Những siêu dự án chờ mặt bằng ở đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 11/04/2014 22:11

Một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp phải vấn đề nguồn vốn được cấp phát nhưng dự án (DA) không thực hiện hoặc chậm triển khai với lý do nói mãi cũng nhàm: chưa giải phóng mặt bằng!

Tăng tốc dự án "rùa"

Theo Ban quản lý các DA đường thủy nội địa phía Nam (PMU-SIW), cơ quan điều phối DA phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL (gọi tắt WB5), WB5 là DA sử dụng vốn vay ưu đãi ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Được biết tổng mức đầu tư 11.146 tỷ đồng (tương đương 535,844 triệu USD), trong đó vốn ưu đãi ODA 8.415 tỷ, còn lại 2.730 tỷ là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án được triển khai đồng bộ từ tháng 4/2008 tại Tp.HCM và 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, gồm 4 hợp phần: hợp phần A (do PMU1 đại diện chủ đầu tư) nâng cấp khoảng 98km các Quốc lộ 53, 54, 91; hợp phần B (do PMU-SIW đại diện chủ đầu tư) nâng cấp hành lang đường thủy quốc gia số 2 (xuyên Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên) và số 3 (ven biển phía nam); hợp phần C (do Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh đại diện chủ đầu tư) là kết nối vùng nghèo với hành lang đường thủy bộ giao thông chính, nâng cấp các kênh sông, đường bộ kết nối vào đường trục, xây dựng cảng, bến bốc xếp địa phương và hợp phần D (do PMU-SIW đại diện chủ đầu tư) là tư vấn tăng cường thể chế cho Bộ GT-VT.

Đường nối Thới Thuận - Thạnh Lộc mới hoàn thành 58% sau khi trễ tiến độ 3 tháng

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, do nhiều nguyên nhân, các bên liên quan tiến hành chậm. Tính đến hết tháng 1/2014 mới giải ngân được 4.985/11.146 tỷ đồng, đạt 45% tổng mức đầu tư toàn DA; trong đó vốn ODA giải ngân 3.251/8.415 tỷ đạt 39%, vốn đối ứng 1.734/2.730 tỷ đạt 64% kế hoạch vốn của DA. Đến nay đã có 11/13 địa phương vùng ĐBSCL hoàn thành DA (giai đoạn 1), riêng TP.Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh còn “nợ”. Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ GT-VT, lưu ý: “Các dự án WB5 sẽ không được gia hạn thêm thời gian, phải kết thúc trước tháng 9-2015”.

Dự án đầu tư xây dựng đường nối liền phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt) với xã Thạnh Lộc (huyện Vĩnh Thạnh) tại Cần Thơ xem như DA... rùa! Theo lãnh đạo Sở GT-VT TP.Cần Thơ, tiểu DA này thuộc hợp phần C của dự án WB5, được UBND TP. Cần Thơ phê duyệt tháng 3-2009 và Hiệp định tín dụng số 4306-VN ngày 22/11/2007 ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với WB để vay vốn đầu tư WB5. Dự án khởi công ngày 22/9/2012, chiều dài toàn tuyến 11,9km, quy cách đường cấp V đồng bằng. Lẽ ra đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013, nhưng đến nay sau gần 18 tháng thi công, khối lượng thực hiện chỉ khoảng 78%, giá trị giải ngân đạt 56%. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở GT-VT cho biết: “Tiến độ chậm là do điều kiện giao thông khó khăn và vướng vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB)”.

Tại Trà Vinh, người dân địa phương kêu ca về tiến độ của DA đầu tư xây dựng Tỉnh lộ 915. Khởi công sớm hơn công trình trên của Cần Thơ hai tháng, nhưng đến nay khối lượng thực hiện mới chỉ được 82%, giải ngân đạt 66%. Bên cạnh việc vướng GPMB, theo lãnh đạo Sở GT-VT tỉnh này còn có nguyên nhân nhà thầu không tập trung đẩy nhanh tiến độ.

Ưu tiên trước mắt vẫn là giải phóng mặt bằng

Giai đoạn 2 của dự án WB5 có 10 hợp phần, tất cả gói thầu đã ký kết hợp đồng (HĐ) triển khai thi công (riêng cảng xếp dỡ Sóc Trăng và Cà Mau đang trong giai đoạn xét thầu). Theo PMU-SIW, giai đoạn này hợp phần A chỉ còn lại tiểu DA1 (Km 7+000 - Km 14+000) của QL91. Hợp phần B đã ký kết 23/28 HĐ và hoàn thành 3, tổng giá trị khoảng 165 triệu USD, bằng 84% tổng mức đầu tư.

Còn hợp phần C của giai đoạn 2 ước tính tổng giá trị HĐ ký kết đến hết quí 1/2014 là 104,74 triệu USD. Ông Vương Quốc Tuấn, Tổng giám đốc PMU-SIW, cho biết khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn đối ứng cho công tác đền bù GPMB, chỉ riêng địa bàn tỉnh Long An hiện cần khoảng 150 tỷ đồng. Nếu vốn đối ứng về chậm vài tháng nữa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành của toàn DA.

PMU-SIW cho biết để thực hiện kế hoạch giải ngân năm 2014 là 1.950 tỷ đồng, đạt lũy kế bằng 65% tổng mức đầu tư các hợp phần B, C3ii, D, PMU-SIW đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan cân đối vốn đối ứng năm 2014 là 750 tỷ đồng, trong đó 700 tỷ chi trả bồi thường GPMB cho các HĐ đã ký kết. PMU-SIW cũng đã có tờ trình gởi chủ đầu tư, Bộ GT-VT mong những nơi này ra văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành có DA đi qua “cùng gánh vác”.

Trong cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết thêm, nguồn ngân sách cấp cho công tác GPMB của dự án WB5 được ghi từ vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên do trái phiếu vẫn chưa phát hành nên nếu cứ chờ thì công tác đền bù GPMB phải mất vài tháng, như vậy nguy cơ chậm tiến độ rất lớn.

Sau khi nhận được tờ trình của PMU-SIW, lãnh đạo Bộ GT-VT đã trực tiếp làm việc với một số địa phương ĐBSCL nơi có dự án WB5 đi qua, đề nghị cho tạm ứng trước nguồn vốn ngân sách, chi vào GPMB, Bộ GT-VT cam kết hoàn trả cho tỉnh trong năm 2014 khi Bộ Tài chính bố trí ngân sách từ trái phiếu Chính phủ cho Bộ GT-VT. Sau đó, một số địa phương đã sắp xếp, “chia lửa” với Bộ GT-VT. Chẳng hạn Đồng Tháp tạm ứng trước 24 tỷ đồng, Tiền Giang 86 tỷ, Sóc Trăng 3,5 tỷ, Long An dự tính ứng 160 tỷ; Cần Thơ, Bạc Liêu mỗi địa phương 50 tỷ... Trước mắt, 13 tỉnh thành và PMU-SIW cần tập trung thực hiện nhiều việc, trong đó ưu tiên số một vẫn là GPMB!

(Theo CA TPHCM)
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM