Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Quy định thêm hình thức thuê nhà ở TĐC

Cập nhật: 26/08/2013 11:42

Ngoài phương thức bán nhà ở tái định cư (TĐC) như hiện nay, Nghị định 84/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát triển và quản lý nhà ở TĐC (có hiệu lực từ ngày 30/9/2013) đã quy định thêm hình thức thuê nhà ở TĐC.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân bị di dời khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng công trình sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu có nhu cầu thuê, sẽ được thuê nhà ở TĐC.

Được thuê tối thiểu 3 năm

Phương thức thuê nhà ở TĐC do chủ đầu tư nhà TĐC hoặc doanh nghiệp (DN) được chủ đầu tư ủy quyền quản lý, vận hành nhà TĐC ký hợp đồng cho thuê với các hộ gia đình, cá nhân TĐC. Hợp đồng nhà ở được ký có thời hạn tối thiểu 3 năm. Theo đó, người thuê nhà phải trả tiền thuê cho bên cho thuê theo giá thỏa thuận được ghi rõ trong hợp đồng thuê nhà. Việc trả tiền thuê được thực hiện định kỳ hàng tháng hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên nhưng tối đa không quá 1 năm/lần.

Trước khi hết hạn hợp đồng thuê 3 tháng, nếu bên thuê không vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà thì được quyền ký tiếp hợp đồng mới hoặc gia hạn hợp đồng thuê. Nghị định này nêu rõ: bên cho thuê chỉ được ký hợp đồng cho thuê nhà sau khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng và bàn giao nhà ở vào sử dụng và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận về các điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định về quản lý chất lượng công trình.

Liên quan đến giá thuê nhà, đối với nhà TĐC đầu tư bằng vốn ngân sách, cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh căn cứ vào hướng dẫn về phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở TĐC của Bộ Xây dựng để xây dựng, trình UBND cấp tỉnh quyết định và ban hành. Đối với nhà TĐC được đầu tư bằng các loại vốn khác thì chủ đầu tư cũng căn cứ vào phương pháp xác định giá cho thuê nhà TĐC của Bộ Xây dựng để ban hành hoặc điều chỉnh giá thuê nhà ở. Bộ Xây dựng sẽ hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định giá cho thuê.

NĐ 84 cũng nêu rõ tiêu chuẩn diện tích nhà ở TĐC phải theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành; đồng thời phải đáp ứng một số quy định nhằm đảm bảo đời sống cho người được TĐC. Cụ thể, đối với khu vực đô thị, nhà TĐC là nhà chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án có tiêu chuẩn diện tích phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, thiết kế chung cư có thể bố trí một phần diện tích để tổ chức kinh doanh, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế của từng dự án (sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu diện tích sử dụng chung, diện tích sinh hoạt cộng đồng, nơi để xe trong phạm vi dự án theo quy định). Nhà ở TĐC là nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản về hạ tầng kỹ thuật và tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu do UBND cấp tỉnh quy định.

Liên quan đến hình thức phát triển nhà ở TĐC, NĐ 84 quy định 3 hình thức: Đầu tư xây dựng trực tiếp; đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao hoặc mua nhà ở thương mại để bố trí TĐC. Trong đó, đối với hình thức mua nhà ở thương mại để bố trí TĐC, chủ đầu tư khu nhà ở TĐC có trách nhiệm chuẩn bị quỹ nhà TĐC, lập phương án mua nhà ở thương mại làm nhà ở TĐC. Trong đó, chủ đầu tư phải nêu rõ vị trí, số lượng nhà, dự kiến giá mua... trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Ảnh minh họa

Được ưu tiên thuê, mua nhà ở xã hội

Một điểm mới của NĐ này là các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện TĐC không có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở TĐC mà có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì được ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhất để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. NĐ 84 cũng nêu rõ: đối với dự án phát triển khu đô thị mới và khu nhà mới có nhu cầu TĐC thì ưu tiên bố trí xây dựng quỹ đất TĐC ngay trong khu đô thị mới hoặc trong dự án khu nhà ở đó.

Nhằm tạo điều kiện cho người TĐC ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, đặc biệt là tại các chung cư TĐC, Chính phủ cũng đã quy định về việc khai thác kinh doanh, dịch vụ trong nhà chung cư. Cụ thể, đối với việc chủ đầu tư mua một số căn hộ hoặc một số tầng trong nhà chung cư thương mại để bố trí TĐC thì khuyến khích chủ đầu tư của chung cư đó ưu tiên hộ gia đình, cá nhân TĐC được khai thác phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thông qua đấu giá nếu giá trúng thầu của hộ gia đình, cá nhân tái định cư ngang bằng với giá thầu của các hộ dân khác trong nhà chung cư thương mại đó.

Trường hợp nhà ở TĐC được đầu tư xây dựng trực tiếp thì CĐT dành tối đa không quá 2/3 diện tích kinh doanh, dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân TĐC thuê (nếu có nhu cầu) thông qua đấu giá theo nguyên tắc công khai, minh bạch để tạo công ăn, việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân TĐC.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định việc phát triển nhà ở TĐC phải đảm bảo nguyên tắc để các hộ gia đình, cá nhân được bố trí TĐC có điều kiện ở, sinh hoạt, sản xuất tốt hơn hoặc tương đương nơi ở cũ. Nhà ở TĐC phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng và an toàn trong sử dụng và phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương.

Tại khu vực đô thị, cần hạn chế xây dựng các dự án TĐC riêng lẻ, tập trung đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội hoặc mua các căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới để bố trí TĐC.

Theo NĐ 84, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai danh mục dự án nhà TĐC và giá bán, giá cho thuê nhà ở TĐC, nhà ở xã hội để các hộ dân lựa chọn và đăng ký mua hoặc thuê nhà ở. Giá bán căn hộ chung cư TĐC đã bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung bằng 2% tiền bán căn hộ nhà chung cư theo quy định.

(Theo SGGP)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM