Năm qua, gói hỗ trợ ưu đãi nhà ở được sự chú ý rất lớn của các nhà đầu tư cũng như của người dân. Tuy nhiên, xung quanh gói giải cứu này vẫn còn nhiều khúc mắc xảy ra, giải ngân chậm, quyền lợi chưa thực sự đến tay ngừơi dân. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng chia sẻ ý kiến về vấn đề này.
Không cứu bất động sản bằng tiền
Trong năm vừa qua, gói 30.000 tỷ được coi là liều thuốc tăng lực cho thị trường bất động sản (BĐS) nhưng nói như các chuyên gia là “đã thất bại”. Phải nhìn nhận rằng, các bên liên quan như Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước đều nỗ lực để giải ngân gói này. Tuy nhiên, gói 30.000 tỷ lại giải ngân chậm chạp, vậy Bộ trưởng có thể lý giải thế nào về thực trạng này?
- Gói 30.000 tỷ đồng thực tế là chính sách cho người dân khó khăn về nhà ở được vay mua nhà hoặc thuê nhà.
Đây là việc làm lâu dài không phải trực tiếp dùng gói 30.000 tỷ đồng để cứu BĐS, Nhà nước không có tiền để cứu BĐS mà chỉ có những giải pháp đồng bộ về chính sách để tháo gỡ, trong đó đặc biệt khắc phục sự lệch pha cung - cầu.
Chẳng hạn, cung nhà ở cao cấp quá nhiều trong khi cầu không có, còn cung nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ lại quá ít trong khi cầu quá lớn nên phải khắc phục sự lệch pha này, giảm cung nhà ở cao cấp, tăng cung nhà ở xã hội.
Có ý kiến nói rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho BĐS thay vì giảm cung mà tăng cung là không đúng vì việc tăng cung ở những chỗ có nhiều cầu như người nghèo, người khó khăn, công chức, cán bộ viên chức, người lao động, công nhân khu công nghiệp đang thiếu nhà ở… giảm cầu ở phân khúc cao cấp nên phải làm chính sách, giải pháp đồng bộ trong đó phải cấu trúc lại các dự án.
Bất động sản phải hướng tới người tiêu dùng, đầu tư cho ai và vì ai, không phải để doanh nghiệp BĐS đầu tư theo khả năng của mình. Giải ngân nhanh, đúng đối tượng là tốt nhưng muốn giải ngân nhanh phải có nhiều nhà ở xã hội và nhiều doanh nghiệp tham gia nhà ở xã hội, 30% dành cho doanh nghiệp và 70% dành cho người dân tương đương mỗi hộ vay 500 triệu đồng sẽ là 40.000 hộ được vay.
Nếu tiêu thụ 2.000 tỷ cho người dân vay, số nhà ở ít so với yêu cầu của gói này nên điều này rất rõ là không thể giải ngân nhanh được. Hiện, cũng có nhiều doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp còn phải có điều kiện, thủ tục đầy đủ nên việc này thuộc về ngân hàng. Ngân hàng phải kiểm tra đủ điều kiện nhưng không phải vì kiểm tra mà làm chậm nếu đủ điều kiện.
Muốn nhiều dự án nhà ở xã hội làm ra không chỉ Bộ Xây dựng mà còn cần sự tích cực của các địa phương, làm giảm thủ tục để doanh nghiệp đủ điều kiện làm dự án. Người dân muốn vay gói tín dụng này muốn đủ điều kiện phải có sự xác nhận của địa phương nên chính quyền địa phương theo phân cấp như xã, phường phải vào cuộc có trách nhiệm, đôn đốc để các cấp thực hiện.
Giải ngân nhanh mà không đúng đối tượng có thể phát sinh tham nhũng, thất thoát, lợi dụng nên phải làm chặt nhưng không phải chặt là chậm.
Thưa Bộ trưởng, dư luận từng đặt ra câu hỏi, có sự ưu ái hay nhóm lợi ích trong lĩnh vực BĐS nên mới xảy ra tình trạng BĐS phát triển không cân đối, chủ yếu là phục vụ người trung lưu và giàu có, trao đi đổi lại khiến bất động sản càng thêm “ảo”? Tuyên bố chính thức của Bộ Xây dựng về băn khoăn này của dư luận như thế nào, thưa ông?
- Nếu nói vậy không rõ về lợi ích nhóm mà rõ nhất là trong quá trình quản lý bất động sản trước đây, chúng ta đã để tình trạng phát triển tự phát, thiếu quy hoạch và kế hoạch lỗi này do pháp luật chưa chặt chẽ chưa điều chỉnh được vấn đề.
Để khắc phục Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11 về quản lý phát triển đô thị, đổi mới rất quan trọng và rất lớn là yêu cầu phát triển đô thị phải đi liền với kiểm soát, thống nhất của nhà nước từ trung ương đến địa phương. Mặt khác, phát triển đô thị phải theo đúng quy hoạch và đúng kế hoạch thay vì trước đây là thiếu quy hoạch và không có kế hoạch dẫn đến tự phát, phong trào theo đó là dự án treo, quy hoạch treo lãng phí.
Nhiều dự án treo phải rà soát lập lại kế hoạch phát triển đô thị của từng đô thị để xác định rõ khu nào phát triển trước, khu nào phát triển sau. Dự án nào phải thu hồi lại, rất lâu mới phát triển và phải đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, của người dân và nhà nước.
Các dự án đã được quyết định cho phép đầu tư như do thị trường đóng băng thì không phát triển, họ dừng lại là tốt do nếu đầu tư, giả sử là tiền của doanh nghiệp hoặc tiền vay ngân hàng hoặc người dân nộp thì đều là tiền của xã hội. Nếu đầu tư vào thiệt hại hơn không đầu tư, không có nghĩa mình hoan nghênh treo nhưng treo còn hơn nếu đầu tư vào và chôn tiền ở đấy.
Bộ trưởng đã từng lên tiếng khẳng định các dự án bất động sản năm vừa qua đã giảm giá mạnh, nhiều dự án giảm 50% về mức giá của năm 2006. Cũng theo Bộ trưởng, BĐS giảm giá là vì giá ảo. Thưa ông, vậy BĐS hiện nay đã trở về giá thật chưa? Mức giá này đã phù hợp với thu nhập của người dân hay chưa?
- Giá cả của chúng ta dù đã ở giá trị thực tức là giá đúng chi phí và có lãi của doanh nghiệp, đã nộp thuế nhưng giá đó vẫn còn cao hơn thu nhập của người dân.
Rất khó để nói giá đất đã phù hợp với giá của người dân hay chưa vì đất nước mình đang là đất nước mới ở giai đoạn phát triển trung bình ở giai đoạn đầu, thu nhập bình quân chưa đến 2.000 USD. Việc sở hữu 1 ngôi nhà không dễ dàng với người dân mà phải tích lũy và lao động ngoài sự hỗ trợ của nhà nước.
Giá này là thấp nhất nhưng không phải ai cũng mua được, nhà nước phải hỗ trợ cho vay. Quan trọng nhất là khi làm nhà ở xã hội sẽ kéo BĐS xuống giá thấp. Giá BĐS giảm, tất cả người dân đều biết, đất nền, nhà ở đều giảm dù có việc họ tiết giảm chi phí khiến giá nhà giảm xuống. Dù giảm chậm nhưng giao dịch tăng có thể nói người dân đang dần chấp nhận mức giá hiện tại.
Bộ Xây dựng không lạc quan
Xin ông cho biết, Bộ Xây dựng có trách nhiệm như thế nào vì để bất động sản có giá ảo trong suốt 5-6 năm qua, trong khi người dân thì vẫn không có nhà ở?
Thị trường bất động sản năm 2014 tiếp tục sáng lên
- Chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường có quy luật của nó, quy luật giá trị, quy luật cung cầu, nếu cung nhiều cầu ít thì giá thấp, cầu nhiều cung ít thì giá cao, trách nhiệm của nhà nước phải làm thế nào để cung cầu gặp nhau và để thị trường phát triển bền vững.
Chúng tôi đã can thiệp ngay khi thị trường có vấn đề. Sự can thiệp này không dễ, các nước tư bản còn bị. Thị trường rất khốc liệt, không ai nói mạnh nhưng chúng ta làm hết sức mình để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững nhưng không được làm méo mó thị trường, tránh xu hướng thị trường hóa và tránh xu hướng nhà nước hóa.
Có doanh nghiệp nêu ý kiến rằng thị trường BĐS tiếp tục ảm đạm một phần là do Bộ Xây dựng trước đó đã đánh giá quá lạc quan về thị trường, ví dụ như việc đưa ra các con số về hàng tồn kho bất động sản dẫn đến việc không đánh giá đúng thị trường và không đưa ra được biện pháp hiệu quả. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
- Đây không phải vấn đề lạc quan hay không lạc quan. Đánh giá đây là đánh giá tổng thể, toàn diện, những cái gì đưa ra cụ thể thì đưa ra, vấn đề nào chưa đưa ra được thì vẫn nói, bao giờ cũng có 2 phần là tồn kho thực tế và tồn kho dở dang.
Chúng tôi không bao giờ lạc quan vì lạc quan làm sao có được những giải pháp như hiện nay. Những giải pháp đưa ra đã rất khôn ngoan, không mất tiền mà dùng chính sách để điều chỉnh, không ồn ào mà đi vào chiều sâu và đi vào những điểm mấu chốt xử lý vấn đề. Giải quyết được vấn đề thị trường BĐS là rất khó khăn. Thời gian vừa qua, chúng tôi phải chịu nhiều áp lực.
Theo ông, kịch bản cho thị trường bất động sản sắp tới sẽ như thế nào, bất động sản sẽ đổ vỡ rồi phục hồi hay đã chạm đáy rồi phục hồi dần? Những biện pháp nào có thể giải cứu thị trường bất động sản sắp tới?
- Chúng ta kiên định thực hiện các giải pháp hiện tại. Thị trường những tháng cuối năm đang ấm lên, giao dịch tăng, năm 2014 tiếp tục sáng lên đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(Theo DĐDN)