Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Sẽ cưỡng chế nếu người thuê không trả nhà ở công vụ

Cập nhật: 25/09/2014 14:52

Quy định về nhà ở công vụ tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) mới nhất gần như không có gì thay đổi dù trước đó có nhiều ý kiến trái chiều về nội dung của quy định này.

Khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu, Hà Nội - Ảnh: L.H.V.

Trong kỳ họp Quốc hội thứ 7 và hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 9 vừa qua, vấn đề nhà ở công vụ là nội dung được tranh luận rất sôi nổi.

Dự thảo luật quy định, những đối tượng được thuê nhà ở công vụ không chỉ có cán bộ cấp cao mà gồm cả cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội được điều động, luân chuyển theo yêu cầu công tác, hạ sĩ quan; quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu an ninh, quốc phòng...

Ngoài ra, thuộc đối tượng được thuê loại nhà này còn có giáo viên công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

Nhân viên y tế, bác sĩ được cử đến công tác tại các khu vực biên giới, hải đảo; xã vùng sâu, vùng xa hoặc những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc được cử luân phiên có thời hạn xuống công tác tại các bệnh viện, các trung tâm y tế tuyến dưới theo quy định của pháp luật cũng nằm trong nhóm đối tượng được thuê nhà công vụ.

Tuy nhiên, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nói trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết đối tượng được thuê nhà công vụ rộng như vậy là không khả thi.

Trong dự thảo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật gửi kèm dự thảo luật vừa được hoàn thiện ngày 22/9 gửi xin ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khái quát 4 loại ý kiến về nhà ở công vụ.

- Loại ý kiến thứ nhất: đồng tình với quy định tại dự thảo luật.

- Loại ý kiến thứ hai: đề nghị chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác.

- Loại ý kiến thứ ba: đề nghị chỉ đầu tư xây dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào tiền lương để họ tự thuê nhà ở nhằm tránh lãng phí, dàn trải.

- Loại ý kiến thứ tư: đề nghị cần quy định chế độ nhà ở công vụ được áp dụng với tất cả các đối tượng thực hiện công vụ.

Trái với loại ý kiến thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định tạo lập quỹ nhà ở công vụ để cho các đối tượng được điều động, luân chuyển công tác, các đối tượng là giáo viên, bác sỹ... làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuê là hết sức cần thiết. Do đó, Ủy ban đề nghị bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như luật nhà ở hiện hành thì phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thuê nhà ở công vụ. Đồng thời bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo luật.

Như vậy, quy định về đối tượng được thuê nhà công vụ gần như được giữ nguyên như cũ, chỉ loại trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang, đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh.

Liên quan đến vấn đề xử lý đối với trường hợp không trả lại nhà công vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đi nơi khác thì người thuê nhà nếu không tự nguyện trả lại thì sẽ bị cưỡng chế thu hồi.

Dự thảo luật Sau khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục được chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới.

(Theo Vneconomy)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM