Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Thanh Hóa: Chính quyền bán đất trong quy hoạch cho dân

Cập nhật: 25/06/2014 13:07

Hàng chục hộ dân ở xã Tây Hồ (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đang đứng trước nguy cơ mất không nhà cửa vì mua đất trong quy hoạch do lãnh đạo xã cắt bán, điều đáng nói là xã Tây Hồ biết bán như vậy là trái thẩm quyền nhưng vẫn bán.

Bỏ tiền mua hệ lụy

Năm 1999, UBND xã Tây Hồ cắt bán gần 100 suất đất tại khu vực bờ đê sông Chu cho dân (nay khu vực này là khu 9 thị trấn Thọ Xuân). Theo ông Hoàng Đức Thi – Chủ tịch UBND xã Tây Hồ (thời điểm bán đất, ông Thi là phó chủ tịch xã) - sau khi có đê tiêu thủy, đê sông Chu đoạn qua xã không còn tác dụng, nên Đảng ủy, HĐND xã ra nghị quyết “giao đất có thu tiền cho các hộ”. Theo đó, xã phân ra hàng chục suất đất ở, mỗi suất trung bình 200m2, giá bán thời điểm đó là 3.200.000 đồng. Tổng số tiền thu được theo ông Thi là 902 triệu, đã chi dùng cho xây dựng trường.

Chị Phạm Thị Nhân (phải) với phiếu thu tiền và giấy giao đất

Theo anh Lê Huy Thủy, chị Phạm Thị Nhân, anh Lê Huy Tám và nhiều hộ dân mua đất ở đây, “cái giá đó không hề rẻ một chút nào so với giá thị trường đất ở nông thôn”. Thủ tục chỉ có một giấy bàn giao đất ở và một phiếu thu tiền. Trong giấy bàn giao, lãnh đạo xã yêu cầu người dân mua đất “phải thực hiện đầy đủ theo pháp luật”, nhưng chính họ lại không tuân thủ pháp luật. Về việc này, ông Hoàng Đức Thi xác nhận: “Việc bán đất trên là sai, là trái thẩm quyền rồi!” vì xã không có quyền tự ý bán đất, thu tiền khi chưa có quy hoạch, không báo cáo cấp có thẩm quyền.

Chị Phạm Thị Nhân cho hay: “Chúng tôi thấy xã thông báo rộng rãi trên loa thì đăng ký mua, lãnh đạo xã hứa một thời gian ngắn sẽ cấp sổ đỏ nên cũng tin”. Vậy nhưng, lãnh đạo xã Tây Hồ cứ cắt bán cho đến hết đất đê, kể cả phần ban đầu trừ ra làm hành lang bảo vệ và đường xuống ruộng, nhưng việc làm sổ đỏ (GCNQSDĐ) vẫn bặt vô âm tín. Lãnh đạo xã biết việc bán đất là trái thẩm quyền, không thể làm sổ đỏ cho dân, nên đành lấp liếm bằng việc viết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mỗi khi người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Vậy là từ cái sai này, lãnh đạo xã Tây Hồ cố tình mắc vào cái sai khác. Tuy nhiên, “do không có sổ đỏ nên cũng không thể vay ngân hàng được nhiều” – anh Lê Huy Thủy cho hay.

Cảnh “hồn Trương Ba, da hàng thịt”

Năm 2008, thực hiện quy hoạch thị trấn Thọ Xuân mở rộng, hơn 100 hộ dân thuộc xã Tây Hồ được điều chuyển sang thị trấn Thọ Xuân và đặt tên là khu phố 9, trong đó có tất cả các hộ mua đất xã bán trái thẩm quyền. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Sỹ - Phó Chủ tịch thị trấn Thọ Xuân - chính quyền thị trấn chỉ nhận về mặt nhân khẩu chứ đất đai thì không. Do vậy, hàng trăm hộ dân khu phố 9 đành chịu cảnh “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Họ có hộ khẩu ở thị trấn Thọ Xuân, nhưng đất ruộng và các quyền, nghĩa vụ khác gắn liền với đất ruộng vẫn thuộc xã Tây Hồ, còn đất ở thì lơ lửng và đang có nguy cơ mất trắng. “Xã Tây Hồ bán trái thẩm quyền cho dân thì họ phải chịu trách nhiệm, chúng tôi làm sao có thể làm thủ tục cấp sổ đỏ cho dân được, và như vậy cũng không có quyền quản lý đất ở của họ” – ông Nguyễn Văn Tu - Chủ tịch UBND thị trấn Thọ Xuân - nói.

Cũng theo ông Tu, khi bàn giao dân khu phố 9, lãnh đạo xã Tây Hồ “không nói gì về tình trạng đất ở của mấy chục hộ trên”. Như vậy, đất ở của hơn 40 hộ dân trên hiện không thuộc chính quyền cấp xã nào quản lý. Theo quy hoạch mở rộng, nơi họ đang ở thuộc khu sinh thái, nếu giải phóng mặt bằng, họ có nguy cơ không được đền bù theo giá đất ở theo Luật Đất đai.

Từ từ “đấu mối” đến bao giờ?

Nhiều năm qua, hơn 40 hộ dân liên tục đi đòi quyền lợi nhưng không có câu trả lời thỏa đáng. Theo chị Phạm Thị Nhân: “Nhiều lần lên hỏi ông Thi - Chủ tịch UBND xã Tây Hồ - ông nói là đang đấu mối”. Trả lời PV Báo Lao Động sao “đấu mối” lâu thế, ông Thi đổ lỗi cho “công tác cấp sổ đỏ chậm, đang quan tâm đến đất lịch sử trước đã”. Hỏi: “Vậy đến bao giờ hơn 40 hộ dân trên được cấp sổ đỏ?”, ông Thi: “Phải từ từ chứ, vội làm sao được, chúng tôi đang... đấu mối!”. Đã 15 năm, hàng chục hộ dân đang đứng trước nguy cơ mất quyền lợi mà ông chủ tịch xã – người có trách nhiệm bán đất trái thẩm quyền - vẫn nói phải từ từ, vậy phải từ từ để “đấu mối” đến bao giờ?

Gần đây, người dân đánh liều vào phòng ông Lê Văn Biền - Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân - hỏi, được người đứng đầu huyện này cho biết, đất bán trái thẩm quyền nên không thể làm sổ đỏ. Phóng viên liên lạc làm việc với ông Biền về sự việc trên nhưng không được, với lý do “cơ quan chức năng đang vào cuộc”.

(Theo Lao động) 
TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM