Với người dân Tp.HCM, nếu chưa làm đơn cam kết không yêu cầu bồi thường, người dân sẽ không nộp được hồ sơ xin phép xây dựng tạm.
Do căn nhà thuộc khu vực quy hoạch “treo”, không đủ điều kiện được cấp phép xây dựng chính thức nên ông Trần Văn Quy (đường Lê Hồng Phong, quận 10) phải xin cấp phép xây dựng tạm. “Theo yêu cầu của quận 10, tôi phải về phường xác nhận chữ ký vào đơn cam kết tự nguyện tháo dỡ không yêu cầu bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch thì mới được nộp hồ sơ” - ông Quy cho hay.
Không cam kết, không nộp được hồ sơ
“Thủ tục xác nhận không phức tạp vì phường giải quyết nhanh chóng nhưng tôi rất thắc mắc vì chủ trương của TP là nhà cấp phép tạm cũng có thể được bồi thường. Tại sao quận lại yêu cầu tôi phải làm đơn này thì mới cấp phép tạm? Đến khi tháo dỡ nhà, tôi có bị mất quyền lợi vì đã ký cam kết không yêu cầu bồi thường?” - ông Quy lo lắng.
Không chỉ riêng quận 10, hiện gần như tất cả quận, huyện đều yêu cầu người dân khi làm hồ sơ xin phép xây dựng tạm phải kèm theo cam kết tự nguyện tháo dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện quy hoạch mà không đòi bồi thường. Chẳng hạn, các quận 4, Thủ Đức, Bình Thạnh… khi được hỏi đều khẳng định đơn cam kết này là thành phần phải có trong bộ hồ sơ, được ban hành theo mẫu áp dụng chung.
Người dân đang làm thủ tục cấp phép xây dựng tại UBND quận 10 (Tp.HCM)
Vấn đề đặt ra là tại Quyết định 21/2013 về cấp phép xây dựng, UBND TP.HCM khẳng định công trình tạm vẫn được bồi thường nếu quá thời hạn năm năm kể từ ngày công bố quy hoạch 1/2.000 mà Nhà nước không thực hiện quy hoạch. Đây là một nội dung đột phá của TP trong việc cấp phép xây dựng tại khu vực quy hoạch treo, với quan điểm phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Do vậy, việc các địa phương yêu cầu người dân phải làm đơn “tự nguyện tháo dỡ không yêu cầu bồi thường” khi xin phép xây dựng tạm khiến họ rất lo lắng.
Lỗi tại… bộ hồ sơ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một cán bộ phòng Quản lý đô thị quận 4 xác nhận đúng là có việc hồ sơ xin phép xây dựng tạm phải có đơn cam kết tự nguyện tháo dỡ không được yêu cầu bồi thường khi thực hiện quy hoạch. “Tuy nhiên, việc này có ý nghĩa là lưu ý người dân cần cân nhắc khi xây dựng tạm về quy mô công trình vì thời hạn tồn tại không được lâu dài. Nếu không nhắc nhở, vài năm sau Nhà nước thực hiện quy hoạch dẫn tới phải tháo dỡ nhà, người dân sẽ trách vì không được giải thích rõ nên xây công trình quá lớn” - ông lý giải. Cũng theo cán bộ trên, đơn cam kết này không có nghĩa người dân sẽ không được bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận 10 Hồ Đức Trọng giải thích mẫu đơn cam kết như trên được ban hành kèm theo bộ hồ sơ xin phép xây dựng tạm lâu nay. Sau khi TP ban hành Quyết định 21, các mẫu đơn trong bộ hồ sơ vẫn được thực hiện theo quy định cũ nên có sự chệch choạc. “Quận luôn chấp hành theo nội dung của Quyết định 21 dù trong hồ sơ cấp phép tạm có đơn cam kết không bồi thường của người dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải báo cáo UBND TP để sớm giải quyết vướng mắc trên” - ông cho hay.
Các mẫu đơn và hồ sơ cấp phép xây dựng trước đây được quy định tại Quyết định 68/2010 của TP về cấp phép xây dựng, căn cứ theo Nghị định 12/2009. Đối với hồ sơ xin phép tạm thì phải có đơn cam kết (theo mẫu) tự tháo dỡ khi thực hiện quy hoạch không yêu cầu bồi thường. Do Quyết định 21 (thay thế Quyết định 68) không đề cập đến việc thay đổi các mẫu đơn cho phù hợp với nội dung mới nên các quận, huyện vẫn còn áp dụng bộ hồ sơ theo mẫu cũ. Nếu trong vòng năm năm kể từ ngày công bố công khai quy hoạch 1/2.000, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì không bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc được xây dựng mới trong lộ giới hoặc phạm vi quy hoạch. Sau năm năm Nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành. (Trích Điều 2 Quyết định 21/2013 của UBND TP.HCM về cấp phép xây dựng) |