Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Từ Liêm: Chưa tính được chi phí phát sinh khi tách huyện

Cập nhật: 06/12/2013 13:26

Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Từ Liêm đưa ra tại cuộc họp báo về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm chiều hôm qua (2/12).

Ngày 26/11/2013, Chính phủ đã thống nhất chủ trương cho phép điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập hai quận mới, điều chỉnh địa giới hành chính các xã, thị trấn thuộc huyện để thành lập 23 phường mới.

Hiện nay, huyện Từ Liêm có 1 thị trấn và 15 xã được chia tách thành 2 quận và 23 phường. Đường 32 sẽ là ranh giới 2 quận mới được dự kiến lấy tên là quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm.

Tại buổi họp báo chiều 2/12, ông Việt cho biết, trong Đề án điều chỉnh địa giới huyện Từ Liêm có đặt ra nhiều phương án, trong đó có phương án chọn và phương án ưu tiên.

Trong đó, các phương án được đặt ra bao gồm: tên quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm; quận Từ Liêm, quận Mỹ Đình; quận Từ Liêm và quận Tây Thăng Long. Riêng tên quận Từ Liêm ưu tiên cho quận phía Bắc do đây là khu vực cội nguồn của quận.

Việc xin ý kiến nhân dân trọng vào hai tên Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, do tên Từ Liêm đã gắn liền với lịch sử phát triển của địa phương và in sâu trong lòng nhân dân.

Huyện Từ Liêm sẽ được điều chỉnh địa giới hành chính các xã, thị trấn thuộc huyện
để thành lập 23 phường mới thuộc 2 quận

Việc lấy ý kiến nhân dân đã được thực hiện từ ngày 28/11 và sẽ kết thúc vào ngày 3/12.

“Chúng tôi đang khẩn trương thực hiện tổng hợp ý kiến người dân. Nếu hai tên Bắc và Nam Từ Liêm không đạt được tỷ lệ đồng thuận cao của người dân thì sẽ lấy phương án nào được lựa chọn cao nhất và trình Chính phủ quyết định cuối cùng”, ông Việt giải thích.

Về việc biên chế của hai quận mới, ông Nguyễn Văn Việt khẳng định, biên chế đương nhiên sẽ tăng. Còn tăng bao nhiêu sẽ theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó huyện ủy sẽ trình với các cấp có thẩm quyền để đảm bảo chất lượng, số lượng để bộ máy hai quận mới có thể thực hiện.

Bộ máy cán bộ của huyện được bố trí như thế nào tới đây cũng sẽ bàn cụ thể để báo cáo Thành ủy, HĐND thành phố. Có một điều bất biến, các cán bộ chủ chốt tham gia cấp ủy và HĐND, các đồng chí nào được bầu cử tại địa phương nào sẽ ở lại đơn vị hành chính của địa phương đó.

Theo đề án, quận phía Nam Từ Liêm sẽ sử dụng trụ sở hiện nay của huyện Từ Liêm. Còn trụ sở của Bắc Từ Liêm sẽ được xây mới tại đường Văn Tiến Dũng (đường gần với trung tâm thể thao và nhà văn hóa của huyện Từ Liêm hiện nay).

Các trụ sở hành chính, văn hóa, thể thao khác quận nào còn thiếu thì sẽ được xây dựng mới bằng ngân sách nhà nước.

Đối với các chi phí phát sinh do việc thay đổi hồ sơ, giấy tờ hành chính, ông Việt cho biết, việc này chưa thể tính toán ngay được.

Ông Việt cũng cho biết nguồn ngân sách để phục vụ cho việc chia tách quận hiện giờ chưa có con số cụ thể và tất nhiên sẽ tuân theo quy định của pháp luật, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Về thời gian dự kiến bắt đầu tiến hành chia tách, ông Việt cho biết, có thể rơi vào khoảng Quý III năm 2014, trong khoảng tháng 7.

* Quận Bắc Từ Liêm: Phần đất ở phía Bắc huyện Từ Liêm hiện tại có dân số hơn 319 nghìn người, diện tích hơn 4.335 ha, mật độ dân số 7.377 người/km2.

Phía Bắc giáp huyện Đông Anh; phía Nam giám quận Nam Từ Liêm; phía Đông giáp quận Cầu Giấy, quận Tây Hồ; phía Tây giáp huyện Hoài Đức, huyện Đan Phương.

Trụ sở làm việc của quận Bắc Từ Liêm được dự kiến tại khu đất nông nghiệp xã Minh Khai với diện tích khoảng 20ha.

* Quận Nam Từ Liêm có dân số hơn 233 nghìn người, diện tích hơn 3.227 ha, mật độ dân số 7.234 người/km2, phía Bắc giáp quận Bắc Từ Liêm, phía Nam giáp quận Hà Đông, phía Đông giáp quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân, phía Tây giáp huyện Hoài Đức.

Trụ sở làm việc sẽ sử dụng toàn bộ khu liên cơ quan của huyện Từ Liêm đang sử dụng (4ha) đã được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ.

(Theo Đầu tư)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM