Nhiều hộ dân mua đất, sinh sống tại nhiều khu dân cư (KDC) lập trái phép ở TP Long Xuyên (An Giang) phản ảnh từ tháng 8-2012, địa phương đã ngăn chặn mọi hoạt động thế chấp, chuyển nhượng, thừa kế, xin cấp “giấy đỏ”, xây nhà trên các KDC này khiến quyền lợi của bà con bị “treo”.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, tại TP Long Xuyên có 60 KDC do một số cơ quan ban ngành các cấp và nhiều cá nhân, chủ doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng trái phép. Trong đó cơ quan chức năng mới hoàn tất điều tra đối với bảy KDC, truy tố 23 cựu cán bộ TP Long Xuyên và một chủ doanh nghiệp. Ngày 19-8, vụ án xây dựng bảy KDC trái phép này đã được TAND tỉnh An Giang đưa ra xét xử nhưng sau đó tạm hoãn để làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến vụ án. Việc tạm hoãn phiên tòa này khiến nhiều người mua đất, xây nhà ở các KDC trái phép lo lắng quyền lợi của họ sẽ bị “treo” kéo dài...
Những cánh đồng hoang
Đầu tháng 8, chúng tôi trở lại các KDC trái phép ở TP Long Xuyên. Thực tế cho thấy ngoài một số KDC đã có người dân sinh sống thì phần lớn đều bị bỏ hoang. Bao năm qua, những nơi này gọi là làm KDC cho cán bộ, công nhân viên xây nhà ở nhưng người ta chỉ phân lô nền, treo bảng sang nhượng rồi mua đi bán lại.
Khu dân cư của UBND P.Mỹ Quý, TP Long Xuyên hiện dân cư đã đông đúc, nhưng người dân đang bị “treo” nhiều quyền lợi
Tại P.Mỹ Phước, nhiều KDC tuy đã làm xong đường sá, cống thoát nước, kéo đường dây điện và phân lô bán nền từ lâu mà khu nào cũng um tùm cỏ dại trông như những cánh đồng hoang. Các KDC bên rạch Tầm Bót do các cơ quan Thành ủy Long Xuyên, Tỉnh đoàn, Sở Kế hoạch - đầu tư An Giang xây dựng hoàn chỉnh từ năm 2008 nhưng hiện nay vẫn như ở chốn đồng không mông quạnh với lau lách mọc quá đầu người, cỏ dại lấp kín đường sá, cột điện... Cạnh đó, các KDC của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, UBND P.Mỹ Phước... đầu tư tuy đã làm xong cơ sở hạ tầng nhưng chỉ mới có căn nhà của chị Trần Thị Hiền, còn lại bốn bề hoang vắng... Chị Hiền kể: “Bốn năm trước tôi mua đất từ một cán bộ Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy An Giang rồi cất nhà ở, trong khi người khác mua nhằm đầu cơ nên các KDC cứ mãi trống vắng”...
Nhiều KDC khác cũng trong cảnh hoang vắng tương tự. KDC của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ở P.Mỹ Quý đã làm đường sá, hệ thống cấp điện nước nhưng lâu nay vẫn bỏ hoang...
Giống quy hoạch “treo”
Tại P.Mỹ Quý, anh Nguyễn Thành Đại (ngụ đường Ngô Sĩ Liên) kể gia đình anh mua đất ở KDC Ngô Sĩ Liên ngay từ lúc mới hình thành rồi cất nhà để bán quán. Gần đây anh muốn xây lại nhà nhưng không được phép. Chỉ ngôi nhà đang cất dang dở của người bà con vừa bị đình chỉ thi công, anh Đại nói: “Đất đã có giấy đỏ mà xây nhà không cho, muốn thế chấp vay ngân hàng hay bán đi để có vốn làm ăn đều không được. Giống như bị quy hoạch “treo”!”.
KDC Phan Bá Tòng mới có dăm hộ cất nhà, có căn đang xây nửa chừng phải ngưng lại. Chị Neang Si Phol cho biết vợ chồng chị đều là cán bộ, quá ngán cảnh ở khu tập thể chật chội nên vay mượn thêm mua đất cất nhà và hiện vẫn chưa trả hết nợ. “Muốn làm giấy đỏ để vay tiền ngân hàng trả nợ mà không được. Cả KDC này chưa ai có giấy đỏ dù đã làm thủ tục, nộp thuế chuyển nhượng đầy đủ” - chị Phol than. Còn KDC của UBND P.Mỹ Quý dân cư khá đông đúc, phần lớn người dân mua lại nền của cán bộ để cất nhà sinh sống từ lâu. Hiện nay, nhiều nhà dân đã có giấy tờ hợp lệ nhưng muốn sửa nhà, bán nhà cũng không được phép...
Trước bức xúc của người dân, ông Phan Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND P.Mỹ Quý, kiến nghị: “KDC đến bây giờ mới xác định là xây dựng trái phép, trước kia bà con chuyển nhượng được chính quyền địa phương xác nhận, cấp giấy đỏ, cấp phép xây dựng nhà cửa hợp lệ. Do đó nên công nhận và sớm giải tỏa việc ngăn chặn này”.
Sẽ quy hoạch lại, cho phép chuyển nhượng bình thường Ông Võ Anh Kiệt - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trưởng Ban chỉ đạo xử lý các KDC trái phép - cho rằng trên các KDC đã có người dân sinh sống ổn định, nhiều hộ dân, nhiều gia đình cán bộ, công nhân viên đã chuyển nhượng lô nền với nhu cầu xây dựng nhà ở chính đáng. Để đảm bảo quyền lợi và tránh lãng phí cho dân, tỉnh sẽ đưa ra giải pháp xử lý đúng pháp luật, hợp tình. Đối với những khu trái với quy hoạch sẽ cho rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung của TP Long Xuyên. Đồng thời các khu này cũng phải điều chỉnh xây dựng cho phù hợp với quy hoạch đã điều chỉnh và đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ để kết nối với hệ thống hạ tầng chung. “Về kinh phí thì do Nhà nước và nhân dân đóng góp cùng làm, còn xây dựng thì qua đấu thầu chọn doanh nghiệp có năng lực thực hiện. Sau đó mọi hoạt động chuyển nhượng, xây dựng nhà cửa sẽ được phép hoạt động bình thường” - ông Kiệt cho biết. |
(Theo TTO)