Chuyện chung cư Tecco Tower Tham Lương (Tp.HCM) bị đình chỉ thi công vì xây không phép đã làm dấy lên hồi chuông về việc giám sát, xử lý của cơ quan chức năng, bởi công trình này đã xây đến sàn tầng thứ 5, thời gian thi công kéo dài vẫn lọt qua các “cửa” kiểm duyệt một cách lẹ làng.
Tp.HCM có cả một hệ thống kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng không phép, sai phép. TP cũng có quy chế phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng, vậy mà vẫn tồn tại chuyện công trình lớn xây không phép chậm được xử lý.
Chung cư Tecco Tower Tham Lương (P.Tân Thới Nhất, Q.12, Tp.HCM vừa bị các cơ quan chức năng phát hiện xây không phép. Công trình này do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới làm chủ đầu tư.
Chung cư Tecco Tower Tham Lương xây không phép đã bị đình chỉ thi công - Ảnh: D.N.Hà
Đáng chú ý là khi phát hiện ra vụ việc, chung cư này đã đổ sàn lên đến tầng 5. Trong thiết kế, dự án cao 15 tầng có diện tích diện tích gần 11.000m2, gồm ba block chung cư với 800 căn hộ.
Vào ngày 22/8/2014, UBND P.Tân Thới Nhất và đội thanh tra địa bàn Q.12 (thuộc Sở Xây dựng Tp.HCM) đã phát hiện ra công trình này xây không phép, lúc đó, công trình mới hoàn thành xong phần móng và một số cột. Tuy nhiên, không biết quy trình xử lý thế nào mà đến giữa tháng 10/2014, chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công.
Trong cuộc trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND P.Tân Thới Nhất cho biết, cán bộ được phân công theo dõi công trình này đã hiểu rằng chủ đầu tư có thiết kế cơ sở thì có thể triển khai công trình, không cần phải có giấy phép xây dựng. Vì thế cho nên chung cư này vẫn tiếp tục thi công cho đến thời điểm phát hiện vừa rồi.
Cái đáng bàn ở đây là chủ đầu tư “nhầm” đã đành, nhưng ngay cả cán bộ được phân công quản lý về mặt chuyên môn cũng nhầm lẫn thì quả là điều không chấp nhận được.
Trong khi đó, Tp.HCM có cả một hệ thống kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng không phép, sai phép kiểu như thế từ địa phương cấp xã phường lên đến Thành phố (Thanh tra Sở Xây dựng). Nếu có lọt thì cũng chỉ lọt ở cửa của UBND phường xã còn tại sao lên đến Thanh tra Sở Xây dựng mà vẫn lọt được thì rõ ràng đang có vấn đề trầm trọng trong cách quản lý của các cơ quan chức năng, đã quá dễ dãi và không ngăn chặn từ đầu.
Khi được hỏi về trách nhiệm xử lý chung cư Tham Lương, Sở Xây dựng Tp.HCM cho rằng trách nhiệm về chuyện này thuộc UBND phường và quận. Có chăng ở đây sự đùn đẩy trong trách nhiệm?
Trước đây, đã từng xảy ra trường hợp một nhà kho tại P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, Tp.HCM xây dựng sai phép từ tháng 4/2011 nhưng không bị phát hiện. Cũng với giấy phép xây dựng của nhà kho đó, vào tháng 1/2014, chủ đầu tư tiếp tục xây thêm một nhà kho khác. Vụ việc này mới được cơ quan chức năng phát hiện trong tháng 6/2014 vừa qua. Tổng diện tích xây dựng không phép được đo đạc lên tới hơn 1.200m2.
Khi hỏi phường và quận thì quả bóng trách nhiệm lại bị đá qua đá lại. UBND phường thì cho rằng công trình này thuộc thẩm quyền xử lý của đội thanh tra xây dựng địa bàn Q.Bình Tân (thuộc quyền quản lý của Sở Xây dựng TP). Nhưng khi hỏi đội thanh tra xây dựng địa bàn Q.Bình Tân thì bên này lại cho rằng thẩm quyền xử lý là của UBND phường. Sau nhiều dùng dằng, phải đến khi UBND quận lập tổ công tác, xác định đây là hành vi xây dựng không phép thì UBND phường mới bắt tay vào xử lý vụ việc.
Để quản lý và xử lý các công trình không phép hoặc sai phép, Tp.HCM có hai lực lượng thanh tra xây dựng: một thuộc Sở Xây dựng và một thuộc UBND quận huyện. Nhưng đến lúc có công trình xây dựng vi phạm bị phát hiện thì hai bên lại đổ lỗi cho nhau, khiến cho việc xử lý kéo dài. Trong tình thế sự đã rồi, không ít công trình xây dựng vi phạm đã được tồn tại với “kiểu” xử lý như vậy.
Vậy nên, vào ngày 18/12/2013, UBND Tp.HCM đã ban hành quyết định 58/2013 về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Theo đó, trách nhiệm của UBND phường xã, Thanh tra Sở Xây dựng TP trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý từng loại công trình xây dựng vi phạm đã được quy định rõ ràng.
Hơn nữa, cần hoàn thiện lực lượng thanh tra xây dựng theo quy định của Chính phủ (tất cả lực lượng thanh tra xây dựng do Sở Xây dựng trực tiếp quản lý). giúp bộ máy hoạt động tốt hơn, kiểm soát tốt hơn các công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn thành phố.
Nhưng tuy đã áp dụng gần một năm nay, trách nhiệm các bên liên quan vẫn còn “nhùng nhằng” khi xảy ra các công trình vi phạm xây dựng.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng Tp.HCM: Phải cùng chịu trách nhiệm Các cơ quan quản lý trật tự xây dựng xung quanh công trình chung cư xây dựng không phép tại P.Tân Thới Nhất, Q.12, đội thanh tra địa bàn Q.12 (thuộc Sở Xây dựng quản lý) phải cùng chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra sai phạm ở công trình này. Liên quan đến vụ chung cư Tecco Tower Tham Lương xây không phép, đã có ba công chức của đội thanh tra địa bàn Q.12 vừa bị tạm đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm. Quyết định số 58/2013 của UBND TP về quy chế phối hợp trong quản lý trật tự xây dựng cho biết, UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý công trình xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép do UBND phường, xã cấp. Đối với công trình xây dựng sai giấy phép, sai nội dung thiết kế... thì thanh tra xây dựng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc phân công này chỉ là tương đối, tránh giẫm chân lên nhau gây phiền hà cho người dân còn để chịu trách nhiệm về việc vi phạm trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn thì cả hai đơn vị cùng phải gánh. Trường hợp công trình chung cư Tecco Tower Tham Lương, thanh tra địa bàn Q.12 phải có trách nhiệm kiểm tra chéo về việc xử lý vi phạm xây dựng của UBND cấp phường và quận. Riêng việc thanh tra địa bàn Q.12 chỉ gửi văn bản yêu cầu UBND phường xử lý rồi dừng lại, bỏ qua khâu giám sát, theo dõi thể hiện việc làm chưa hết trách nhiệm. Nếu phường không xử lý được thì phải có kiến nghị đến UBND quận hay báo cáo về Thanh tra Sở Xây dựng đề nghị xử lý triệt để. |
(Theo Tuổi trẻ Online)