Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Làm gì để tránh sập "bẫy" công chứng giả?

Cập nhật: 09/09/2013 13:47

Không chỉ làm giả giấy tờ, nhiều kẻ gian còn giả cả người đi công chứng. Không ít người thiếu kinh nghiệm đã sập bẫy, tiền mất tật mang. Dưới đây là một số lưu ý của các công chứng viên để nhiều người không bị dính các loại giả này.

Từ thông tin Cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM vừa khởi tố một vụ làm giả giấy tờ để đi công chứng hợp đồng bán nhà, đất, nhiều công chứng viên (CCV) đưa ra những lời khuyên để giúp mọi người tránh được những cú lừa không quá tinh vi.

1. Xem thật kỹ các giấy tờ

Hồ sơ mua bán nhà, đất gồm có: giấy chủ quyền nhà, đất; giấy CMND; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân… Đối với những giấy giả được làm tương đối đơn giản, người dân vẫn có thể tự kiểm tra.

Chẳng hạn, trong một vụ lừa để bán miếng đất tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), nhiều CCV dễ dàng nhận ra giấy có biểu hiện giả vì in quá xấu lại sai chính tả, có dấu hiệu cố tình bôi bẩn cho khó nhận biết, các dấu mộc chìm - nổi đều có điểm sai… Về chất liệu giấy, giấy đó quá dày, nặng hơn bình thường, hình quốc huy in nhòe nhoẹt thiếu sắc nét, mộc nổi sai, các chi tiết ghi trên giấy chưa đúng.

Bình thường, những dòng chữ in sẵn trên mẫu giấy đỏ, giấy hồng của cơ quan nhà nước phát hành không sai lỗi chính tả và được in đậm nét. Do đó, nếu giấy chứng nhận có lỗi chính tả hoặc mờ nhạt thì người mua cần đặc biệt nghi ngờ. Bên cạnh đó, người mua nên nhìn kỹ số giấy để nhận ra những bất thường. “Có giấy mới cấp đầu năm mà lại có số cả ngàn, thậm chí mười mấy ngàn. Tôi kiểm tra ngay thì y như rằng giấy… giả” - CCV Phan Văn Cheo dẫn ra một kinh nghiệm.

Các tổ chức hành nghề công chứng là một trong những kênh thông tin đắt giá giúp người giao dịch nhà, đất dễ dàng xác định thật, giả. Ảnh: HTD


Có một đặc điểm về mẫu giấy mà nếu để ý kỹ nhiều người vẫn có thể nhận ra thật, giả. Trong một vụ làm giả giấy tờ để bán một căn nhà tại phường 15 (quận Tân Bình), những người liên quan phát hiện giấy chủ quyền nhà không đúng mẫu theo quy định hiện hành. Cụ thể, tại tháng 3/2010 thì giấy chủ quyền phải được cấp theo Nghị định 88/2009 của Chính phủ với tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất”. Thế mà giấy chủ quyền nhà đem ra mua bán lại là mẫu giấy theo quy định cũ với tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”.

Ngoài ra, độ cũ, mới của các loại giấy cũng là yếu tố không nên bỏ qua. Nếu giấy chứng nhận được cấp đã khá lâu mà các nét mực đều còn mới tinh thì cũng cần phải xem lại. CCV Hoàng Mạnh Thắng kể: “Trong vụ một phụ nữ ở quận 6 nhờ người giả làm chồng để bán nhà, đất trong khi người chồng thật đang ở tù mà tôi đã phát hiện vào tháng 6/2012, tôi thấy CMND cấp được khoảng năm năm mà sao mới quá. Sinh nghi, tôi vặn hỏi người chồng giả những thông tin về “người vợ” thì rõ được trắng, đen”.

2. Đến tận nơi để xác minh cả giấy lẫn người

“Đến tận nơi để vừa thấy tận mắt tài sản, vừa xác minh được người giao dịch với mình có phải là chủ thật sự hay không” - CCV Hoàng Mạnh Thắng đưa ra thêm một kinh nghiệm. Theo ông Thắng, bằng những con mắt “có nghề”, nhiều CCV đã “chặn bắt” được nhiều vụ giấy tờ giả, giúp người mua giao dịch được an toàn. Trong số ít vụ “lọt cửa” công chứng có một nguyên nhân chung thường thấy, đó là người mua không đến tận nơi xem nhà, đất.

Ông Thắng dặn dò: “Đầu tiên, người mua có thể liên hệ với các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để xác minh thông tin pháp lý của nhà, đất cần giao dịch như nhà, đất đó ai là chủ, giấy tờ cấp năm nào, vị trí, diện tích ra sao… Tiếp nữa là đến xem tại chỗ để có thể kiểm chứng đúng, sai, hỏi người dân xung quanh, tổ dân phố… để lấy thêm thông tin về người chủ. Với cách này, người mua tránh được giấy tờ giả lẫn người giả”.

Đồng tình, CCV Lý Thị Như Hòa gợi ý: “Người mua có thể đến bất chợt để xem người đang ở trong nhà đó có phải là chủ thật hay có phải là vợ/chồng của người chủ thật theo các thông tin đã được cung cấp trước đó hay không. Người mua có thể thăm dò thái độ, hỏi lại họ có muốn bán nhà không... Đừng nghĩ làm vậy là thừa vì đã có trường hợp chồng lấy giấy chứng nhận rồi giấu vợ đem bán và để qua mặt CCV thì chồng thuê người khác đóng giả làm vợ”.

3. Lấy thêm thông tin từ cơ quan công chứng

Ngoài các loại giấy tờ nêu trên thì hợp đồng ủy quyền cũng có thể bị làm giả để người này bán nhà, đất của người kia. CCV Như Hòa cho biết: “Có trường hợp người cho vay đang giữ bản chính giấy chủ quyền nhà, đất của người vay đã làm giả hợp đồng ủy quyền để bán nhà, đất của người vay và bị CCV lật tẩy. Để tránh xui xẻo, người mua nhà, đất bằng các hợp đồng ủy quyền có thể liên hệ với tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng để xác định hợp đồng đó có hợp pháp hay không rồi hãy giao dịch”.

Cũng theo CCV Hòa, có trường hợp người này chỉ ủy quyền cho người kia được thế chấp nhà nhưng người được ủy quyền đã tự chỉnh sửa, thêm thắt vào hợp đồng nội dung “được quyền bán nhà”. Vậy nên việc lấy thêm thông tin từ cơ quan công chứng sẽ giúp người mua tránh được nhiều hậu quả khó lường.

(Theo PLTP)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM