Thời gian gần đây, trên địa bàn Tp.HCM đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc mua bán nhà, đất.
Hầu hết, thiệt hại người mua "lãnh đủ". Tất cả đều là do thiếu am tường về lĩnh vực đất đai cũng như không lường hết được những thủ đoạn lừa đảo của đối tượng kinh doanh bất chính…
Thấy trên báo có đăng quảng cáo "cần chuyển nhượng một nền đất ở quận 7, cách mặt tiền lớn 120m, hẻm thẳng 4x17m, giá 870 triệu đồng, bao giấy tờ hợp thức hoá xây dựng.…", vợ chồng anh N.Q.Thành (ngụ phường 9, quận Gò Vấp) đã lập tức liên lạc ngay số điện thoại của chủ đất được ghi trong mẫu quảng cáo.
Anh Thành cho biết, do cần mua đất để xây nhà ở, từ nhiều tháng qua, vợ chồng anh đã săn lùng khắp nơi nhưng chưa tìm được chỗ nào vừa ý. Mảnh đất rao bán trên có vị trí khá đẹp, lại có giá quá rẻ, nên vợ chồng anh nắm bắt ngay cơ hội vì sợ người khác mua mất.
Sau khi làm việc với bà Lê Thị H. - chủ đất với giá thoả thuận 1 tỷ đồng, ngày 6/8, hai bên làm "hợp đồng mua bán đất".
Lô đất vợ chồng anh Thành đặt cọc mua cuả bà H. hiện cỏ mọc um tùm, nằm trong con hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7.
Thực hiện hợp đồng, anh Thành đặt cọc 80 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng anh Thành biết mình bị lừa nên đã đến nhà bà H. đòi tiền đặt cọc. Trước sự kiên quyết của vợ chồng anh Thành, biết không thể lừa được, bà H. đã đồng ý trả lại tiền cọc. Tuy nhiên, phải mất rất nhiều ngày lên xuống, bỏ cả công ăn việc làm, kể cả đòi khiếu kiện, vợ chồng anh Thành mới lấy lại được số tiền cọc mà mình đã bỏ ra…
Trước tình trạng về nhu cầu mua đất để xây dựng nhà ở của người dân khá cao, một luật gia trong hoạt động tư vấn BĐS cũng khuyến cáo người tiêu dùng, cần thận trọng khi mua đất bằng giấy tay vì mức độ rủi ro cao. Còn với đất dự án, phần lớn thông qua các công ty môi giới và đất rao bán là đất chuyển nhượng lại. Vì vậy, để tránh bị lừa, khách hàng nên mua đất đã có GCNQSDĐ. Hạn chế mua từ những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vì phần lớn các doanh nghiệp này không đủ lực để thực hiện các dự án đã được phê duyệt.
(Theo CAND)