Thời đại “tấc đất tấc vàng” ngày nay, căn hộ chung cư đang là lựa chọn của nhiều người dân ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiên nhiều tranh cãi, mâu thuẫn giữa các chủ hộ và ban quản lý khi công trình đã được bàn giao.
(Ảnh minh họa)
Để tránh những rắc rối sau này, trước khi mua người dân nên lưu ý một số vấn đề sau:
Nhà chung cư khi bàn giao cho người sử dụng phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với những dự án lớn. Do vậy, nếu bàn giao nhà chung cư mà không có điện, nước là không đúng, người mua có thể yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện.
Đối với khu vực điện lưới quốc gia chưa đến được công trình, chủ đầu tư phải tự thực hiện bằng nguồn điện thông qua máy phát. Ngoài ra phải có trách nhiệm khai thác và xử lý nguồn nước ngầm, đảm bảo cho các hộ dân sử dụng sinh hoạt lâu dài.
Trường hợp các chung cư xây dựng đã đưa vào sử dụng, dù trước hay sau thời hạn Luật Nhà ở có hiệu lực, chủ đầu tư và các chủ hộ phải họp bầu ra ban quản trị nhà chung cư. Đây là bộ phận có vai trò xử lý các việc xảy ra tiếp theo trong quá trình sử dụng chung cư.
Khi mua căn hộ chung cư, phần nào thuộc sở hữu chung, bao gồm giá giữ xe, các chi phí bảo trì, dịch vụ… trong những năm đầu cần phải được thống nhất và ghi thẳng trong hợp đồng. Đó chính là cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các hộ dân ở nhà chung cư khi xảy ra các mâu thuẫn về sau.
Việc này thường được các hộ dân xem là chuyện nhỏ, nhưng ít ai biết được đây lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa ban quản lý và các chủ hộ sau một thời gian sử dụng.
Nếu chung cư là một cao ốc đa năng, gồm có tầng thương mại, dịch vụ, văn phòng, còn các tầng trên là căn hộ chung cư, thì tầng hầm sẽ được sử dụng chung. Người dân ở chung cư có quyền sử dụng tầng hầm và chỉ mất phí bảo vệ.
Các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình phụ trợ của dự án, thường được nghiệm thu đưa vào sử dụng cùng lúc với chung cư. Chủ đầu tư không có quyền bàn giao căn hộ chung cư khi hạ tầng chưa xong.
Về việc bảo trì chung cư, đối với phần sở hữu riêng thì chủ nhà phải tự bỏ kinh phí để thực hiện. Còn đối với các phần sở hữu chung thì các đồng sở hữu trong chung cư phải cùng đóng góp kinh phí. Tuy nhiên, nếu chung cư được xây dựng trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực (ngày 1-7-2006) thì thời gian bảo hành tối thiểu là 2 năm, còn nếu xây dựng sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực thì thời gian bảo hành tối thiểu là 5 năm.
Các chung cư đã hết bảo hành mà muốn bảo trì, ban quản trị phải vận động để chủ các căn hộ bàn bạc, tính toán phương án sửa lại theo quy định hiện hành. Ban quản trị nhà chung cư có quyền đòi hỏi chủ đầu tư phải cung cấp thông tin về các công việc đang tiến hành, thời gian hoàn thành.
Đối với những chung cư bị xuống cấp phức tạp trầm trọng, mặc dù đã qua thời gian bảo hành, các hộ dân vẫn có quyền thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành để khảo sát, đánh giá xác định nguyên nhân. Dựa trên các kết quả kiểm định đó, các chủ hộ được quyền yêu cầu bộ phận thi công thiết kế trước đây phải bỏ kinh phí khắc phục lại. .
Những chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ với khách hàng, ngoài việc bị phạt nặng, có thể bị xem xét không giao tiếp các dự án bất động sản khác trong tương lai.
Ngoài ra, trước khi bàn giao, người mua nên yêu cầu bên bán cung cấp những thông tin chi tiết về pháp lý. Đồng thời tự tìm hiểu thực tế môi trường sống chung cư qua các cơ quan chức năng địa phương, đơn vị tư vấn và các phương tiện truyền thông báo chí.