“Sau 3 năm mua đất, mãi đợt dịch vừa rồi, nhân tiện cả nhà đi du lịch, tôi mới ghé lại xem mảnh đất thì tá hoả khi môi giới báo giá mảnh đất tôi mua hiện tại còn chưa bằng giá thời điểm mua vào”, Chị Ngọc Hương, ngụ Q.8, Tp.HCM chia sẻ.
Mua phải đất giá "ảo"
Năm 2016, chị Hương xuống xã Phước Khánh (Nhơn Trạch, Đồng Nai) tìm mua đất nông nghiệp theo lời giới thiệu của một nam môi giới khu vực này. Lô đất được chào có vị trí gần mặt sông, được gợi ý về xu hướng làm nhà vườn sau này hoặc đầu tư thời gian bán lại cho người có nhu cầu dạng này.
Do có dòng tiền nhàn rỗi trên dưới 1 tỉ đồng, chị Hương cũng muốn "bỏ" vào đất để đó chờ lên giá. Chọn Nhơn Trạch bởi theo NĐT này giá đất thời điểm đó còn mềm, lại có vị trí gần Q.2, Tp.HCM.
Hơn nữa, khi tìm hiểu chị được biết đất nông nghiệp khu vực này diện tích lớn nhưng giá chỉ vài trăm triệu đồng. Nhiều NĐT đã từng thắng đậm hàng tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng vì mua đất nơi đây.
Được biết, môi giới này do một người quen giới thiệu, chị Hương được nghe qua là công ty môi giới uy tín với khá nhiều dự án nằm ở nhiều tỉnh thành lân cận Tp.HCM. Đó là lý do chị Hương đồng ý cùng môi giới này lên xe của công ty ở Q.2 đi xem đất.
Ảnh: Minh hoạ
Xuống Nhơn Trạch, chị Hương được giới thiệu mảnh đất nông nghiệp với giá 800 triệu đồng/1.000m2. Chị nghĩ mảnh đất lớn mà giá cả như vậy là hợp lý, vị trí giáp sông cũng ổn, lại phù hợp với tài chính sẵn có nên NĐT này cũng quyết định "xuống tiền" ngay mà không khảo sát thêm các khu đất khác hay dò hỏi giá cả đất đai thời điểm đó.
Mua xong để đó bẵng 3 năm, khi có đợt dịch Covid-19 diễn ra, và cũng là dịp gia đình chị đi du lịch sinh thái bên Nhơn Trạch chị Hương mới sẵn tiện ghé thăm mảnh đất. Chị tá hỏa khi tìm hiểu từ các môi giới khác chị mới biết, giá mảnh đất hiện tại bán ra còn chưa tới mức giá thời điểm chị mua.
"Tôi chết lặng lấy điện thoại gọi lại cho bạn sales năm đó thì được trả lời là không còn làm ở công ty cũ nữa, báo tôi lên trực tiếp công ty cũ để hỏi, rồi cúp máy", chị Hương kể lại.
Vậy là chuyến đi du lịch của gia đình chị Hương cũng không còn được vui vẻ như ban đầu. NĐT này cho biết, cũng vì chuyện này mà gia đình chị lục đục mấy tháng trời .
Chị Hương cho hay, nếu hiện tại bán miếng đất ra không những không lời mà còn lỗ nặng do giá cách đây 3 năm trước mua vào còn cao hơn giá hiện tại khá lớn (gần 200 triệu đồng).
Ôm hận vì quá tin lời môi giới, không nắm giá đất khu vực
Chị Hương chia sẻ, điều khiến chị hối hận nhất là quá tin lời môi giới mà không tìm hiểu kỹ càng giá cả trước khi "xuống tiền". Mảnh đất của chị vẫn nằm ở đó, tiếp tục đợi đến khi nào lên bằng giá trị mua vào chị sẽ bán ngay để thu lại dòng tiền. Cơ hội đầu tư xem như bằng 0 suốt mấy năm trời.
Chuyện quá tin tưởng môi giới để mua phải giá cao là khá phổ biến trên thị trường BĐS, nhất là các khu vực tỉnh lân cận Tp.HCM vào thời điểm nóng sốt. Không chỉ chị Hương mà khá nhiều NĐT khác dính phải.
Trong đó, đa số trường hợp "ngậm đắng" khi mua đất dự án, còn mua đất lẻ của dân thì ít.
Điển hình như vào năm 2017, tại Đồng Nai có một dự án KDC với hơn 3.000 sản phẩm được mở bán rầm rộ tại trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch. Độ "hot" của dự án này tới mức chủ đầu tư chỉ bán trong vòng buổi sáng đã hết sạch sản phẩm, thậm chí bán chênh tại lễ mở bán một số lô đẹp với giá hàng trăm triệu đồng.
Tuy vậy, 7 ngày sau câu chuyện hoàn toàn khác. Đến hạn thanh toán đợt 1, khách hàng buộc phải xuống tiền thanh toán theo đợt. Lúc này, NĐT bắt đầu rao bán ồ ạt. Được biết, giá bán các nền trong dự án này khoảng 680 - 890 triệu đồng/ nền 100m2 (năm 2017), trong khi sát bên dự án có một dự án đã hoàn thiện hạ tầng và đã có sổ, giá thì ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn ở một số vị trí.
Điều này khiến dự án "hot" kia chết ngạt, rất nhiều NĐT lúc đó không ra được hàng mà chấp nhận "ôm" và chờ. Mức giá lên thì khá chậm so với những nền đất lẻ, đã có sổ.
Tìm hiểu được biết, vào năm 2017, tại thị trường BĐS Đồng Nai do chính sách thay đổi, khá nhiều các dự án buộc phải xây dựng hạ tầng, xây dựng nhà ở để thu hút dân cư về sinh sống. Vì vậy dự án 1/500 mới một số khu vực không thể ra sổ hồng khi chưa xây nhà ở, điều này như một gáo nước lạnh hắt vào thị trường phân lô bán nền, khiến hàng loạt dự án phân lô rơi vào cảnh ế ẩm tại thị trường này.
Trước đó, có khá nhiều NĐT ôm đất dự án và không ra được sổ ngay. Sau này, khi về Nhơn Trạch đa số NĐT chọn đất lẻ trong dân (đã sổ hồng) hoặc các sản phẩm đã xây nhà để mua cho yên tâm.
Ghi nhận cho thấy, bên cạnh khá nhiều NĐT trúng đậm khi mua đất nền tại Nhơn Trạch, bao gồm cả đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất vườn…thì vẫn còn khá nhiều trường hợp không may mắn khi "bỏ tiền" vào khu vực này.
Điểm khác biệt giữa các NĐT này là sự lựa chọn ban đầy, và niềm tin đặt đúng người, đúng chỗ.
Theo Nhịp sống kinh tế