Giới chuyên gia trong ngành khuyên các nhà đầu tư nên thận trọng khi “rót tiền” vào loại hình bất động sản du lịch.
Tiềm năng dồi dào…
Không phải quốc gia nào cũng được thiên nhiên ưu đãi như Việt Nam khi được sở hữu tới hơn 3.260 km bờ biển dài cùng với hàng trăm bãi biển lớn nhỏ khác nhau. Cùng với đó, biết bao cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa có giá trị… là những yếu tố thuận lợi để xây dựng các khu nhà ở, khu nghỉ dưỡng để nước ta có thể tạo nên một thị trường BĐS du lịch mang tầm cỡ quốc tế.
BĐS du lịch đang và sẽ sôi động trên thị trường Việt Nam nhưng nó chỉ dành cho những nhà đầu tư trường vốn và có tầm nhìn chiến lược.
Có không ít dự án BĐS du lịch đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua như: dự án The Costa Nha Trang, dự án khu du lịch phức hợp Hồ Tràm Vũng Tàu…, đặc biệt dự án BĐS du lịch mang tầm cỡ quốc tế như Sea Links City ở Bình Thuận, Sơn Trà Resort & Spa ở Đà Nẵng… đã thực sự hút khách và trở thành nền tảng vững chắc cho các dự án tiếp theo trong tương lai.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới các dự án BĐS nghỉ dưỡng đang được xây dựng ở khu vực Ba Vì (Hà Nội) và Vĩnh Phúc như: Green Villas 1,2,3,4 với diện tích 50 ha, Tản Viên Resort rộng 21 ha, Flamingo Đại Lải rộng 123 ha…. Đây là những dự án BĐS sinh thái rừng đồi ven đô đang được nhiều chủ đầu tư chú ý. Theo giới chuyên gia, chỉ cần khoảng từ 1,5 đến 5 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể mua một biệt thự nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi ở khu vực miền Bắc.
Mặt khác, khi Nghị định 71 của Chính phủ được ban hành với những chính sách cởi mở hơn tạo điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà, đất ở tại Việt Nam lại cung cấp cho thị trường một nhóm khách hàng vừa có tiềm lực tài chính lại có nhu cầu mua BĐS thật sự.
… nhưng nên thận trọng
Mặc dù đã có nhiều dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng ở Việt Nam nhưng nó vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Vì thế, các chuyên gia trong ngành khuyên các nhà đầu tư nên thận trọng khi “rót tiền” đầu tư loại hình BĐS này.
Trao đổi với PV Laodong.com.vn, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty CP Xây dựng Group Cường Phát lưu ý rằng, tham gia vào lĩnh vực BĐS du lịch nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra một khoản vốn tương đối lớn, nhưng lại không thể có lợi nhuận ngay mà cần có lộ trình, đó chính là thách thức đầu tiên.
Để tránh rủi ro, nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ các yếu tố như: quy mô dự án ở mức độ nào, có đảm bảo được sự phát triển bền vững? Năng lực của chủ đầu tư ra sao, bởi nhiều dự án công bố có giá trị đầu tư lớn nhưng thực tế không phải như vậy. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng đánh giá và lựa chọn tốt, cho nên sự hấp dẫn của BĐS du lịch chính là dành cho các nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược.
Dù thế mạnh có sẵn từ thiên nhiên nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển BĐS du lịch. Mặt khác, vấn đề cơ sở hạ tầng, giao thông chưa phát triển đồng bộ, còn yếu kém, nhiều điểm tiềm năng du lịch chưa được khai thác thỏa đáng. Rồi vấn đề thủ tục hành chính, thời gian xét duyệt hồ sơ đăng ký đầu tư, giải tỏa mặt bằng, đền bù… cũng là một trong những rào cản với các nhà đầu tư BĐS du lịch.
Đến nay, cũng có nhiều dự án chưa hoặc chậm triển khai mà lý do chính là năng lực tài chính của nhà đầu tư hạn chế, thiếu vốn nên tìm cách trì hoãn hoặc xin điều chỉnh quy hoạch dự án. Thế nên, đầu tư loại hình BĐS du lịch dường như chỉ dành cho những nhà đầu tư thực sự trường vốn.
(Theo Lao động)