Hỏi: Tôi có mua 1 căn nhà ở Đà Nẵng đứng tên tôi. Hiện nay tôi đã sang nước ngoài làm ăn lâu năm rồi trong lúc này tôi muốn cắt quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nơi tôi sinh sống.
Vậy tôi muốn hỏi khi tôi cắt quốc tịch xong thì cái nhà đó tôi còn được đứng tên không? Tôi có phải chịu thêm những loại thuế hay tiền gì khác khi tôi không còn quốc tịch Việt Nam nữa không?
Trả lời:
Trường hợp bạn thôi quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch nước khác thì bạn sẽ trở thành công dân nước ngoài.
Khi trở thành công dân nước ngoài, theo quy định tại Luật sửa đổi bổ sung Điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật đất đai thì quyền sở hữu bị hạn chế, cụ thể:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:
a) Người có quốc tịch Việt Nam;
b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.
2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam
Trường hợp được tặng cho hoặc được thừa kế quyền sở hữu nhà ở thì bạn chỉ được hưởng phần giá trị của quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, trường hợp của bạn là đã đứng tên sở hữu nhà đất tại Việt Nam. Do đó, theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc thôi quốc tịch không Việt Nam không buộc phải chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản nhà đất tại Việt Nam. Vì vậy, bạn không buộc phải sang tên nhà đất cho chủ thể khác.
Do đó, trường hợp bạn đang sở hữu căn nhà ở Đà nẵng và hiện tại đang có nhu cầu nhập quốc tịch khác và thôi quốc tịch Việt Nam thì không đương nhiên bị mất quyền sở hữu căn nhà.
Và bạn vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước theo quy định của pháp luật: Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định tại Điều 2 của Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010.
Khi bạn không ở Việt Nam để trực tiếp quản lý, bạn có thể ủy quyền cho người khác quản lý nhà đất để đại diện cho bạn trong các giao dịch liên quan đến nhà đất cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, sử dụng nhà đất.
Luật sư Trịnh Cẩm Bình
(Giám đốc Công ty luật Biển Đông)
(Theo Soha)