Trang mua bán nhà đất hàng đầu Việt Nam

Xác định và xin tăng diện tích đất ở

Cập nhật: 30/10/2013 21:03

Hỏi: Bố tôi ở Hoàn Lão, Bố Trạch (Quảng Bình), có mảnh đất 1.900m2 đất khai hoang từ năm 1970 đến nay. Đất sử dụng làm nhà ở, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch, chính quyền không có chủ trương thu hồi và không có giấy tờ nào thể hiện quyền sử dụng đất.

Tháng 6/2003, chính quyền địa phương chỉ cấp 200m2 đất ở để làm nhà và 1.700m2 đất vườn.

Xin hỏi, chính quyền địa phương cấp 200m2 như vậy có đúng không? Nếu không, giờ bố tôi làm thủ tục tăng diện tích đất ở để cho bốn người con làm nhà ở, không phải mất phí chuyển đổi đất vườn sang đất ở, trong phần 1.700m2 thì có được không? Có văn bản nào quy định không?

Mong được giải đáp. Cảm ơn.

Lê Phi Hai (phihai.hackervn@... )

Trả lời

I. Quy định về hạn mức công nhận diện tích đất ở:

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tại Quyết định số 57 /2005/QĐ-UBND ngày 16/11/2005 của UBND tỉnh Quảng Bình có ghi nhận:

1) Hạn mức đất ở để giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở được quy định cụ thể như sau:

1. Tại thành phố Đồng Hới:

a) Các phường Đồng Mỹ, Hải Đình, Hải Thành, Phú Hải và Đồng Phú là 150m2;

b) Các xã, phường còn lại là 200m2.

2. Tại các huyện:

a) Thị trấn Ba Đồn thuộc huyện Quảng Trạch, thị trấn Kiến Giang thuộc huyện Lệ Thủy là 150m2; các thị trấn còn lại là 200m2;

b) Các xã ở vùng đồng bằng là 250m2;

c) Các xã ở vùng trung du là 300m2;

d) Các xã ở vùng miền núi là 400m2.

Đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn thì diện tích đất ở giao cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở được thực hiện theo quy hoạch chi tiết phân lô đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2) Hạn mức công nhận diện tích đất ở đối với trường hợp đất sử dụng trước ngày 18/12/1980 được quy định cụ thể như sau:

a. Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư mà trong hồ sơ địa chính hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai có ghi nhận rõ ranh giới thửa đất ở (hoặc thổ cư) thì toàn bộ diện tích đất đó được xác định là đất ở.

b. Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư mà trong hồ sơ địa chính hoặc trên các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai chưa ghi nhận rõ ranh giới thửa đất ở (hoặc thổ cư) thì diện tích đất ở được xác định không quá năm lần hạn mức diện tích giao đất ở được quy định tại điểm 1 nêu trên nhưng tổng diện tích không vượt quá diện tích đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng.

Trường hợp thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở, phần diện tích đất còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở thì mục đích sử dụng đất được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

3) Hạn mức công nhận diện tích đất ở đối với trường hợp sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 1/7/2004 (ngày Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành) được quy định cụ thể như sau:

a. Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai mà trong giấy tờ đó ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất có vườn, ao được xác định theo giấy tờ đó.

b. Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất có vườn, ao được xác định như sau:

+ Hộ gia đình có từ 6 nhân khẩu trở xuống: hạn mức diện tích đất ở được công nhận bằng hai lần hạn mức diện tích giao đất ở được quy định tại điểm 1 nêu trên;

+ Hộ gia đình có từ 7 nhân khẩu trở lên: hạn mức diện tích đất ở được công nhận bằng ba lần hạn mức diện tích giao đất ở được quy định tại điểm 1 nêu trên.

Trường hợp diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được xác định bằng hạn mức công nhận đất ở như trên. Phần diện tích đất còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở thì được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

Trường hợp diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất.

Người được tính nhân khẩu trong mỗi hộ gia đình phải là người có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình đó tại thời điểm xác định diện tích công nhận đất ở.

4) Đối với trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai thì diện tích đất ở được xác định theo hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân quy định tại điểm 1 nêu trên.

II. Xác định lại diện tích đất ở:

Căn cứ vào quy định trên, việc xác định hạn mức được công nhận diện tích đất ở được căn cứ vào thời điểm sử dụng đất, tính pháp lý của giấy tờ về quyền sử dụng đất, hạn mức đất ở được giao để làm nhà ở được quy định cho từng địa phương…

Với dữ liệu bạn cung cấp, chúng tôi không đủ cơ sở để khẳng định việc UBND huyện Bố Trạch công nhận diện tích đất ở cho bạn như thư bạn nêu có đúng với quy định hay không.

Trong trường hợp phát hiện việc cấp đất ở cho gia đình không phù hợp, để được xác định lại diện tích đất ở, bạn có thể làm đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc đơn xin cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai mà bạn có.

Hồ sơ nộp tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bố Trạch.

Trong trường hợp được xác định lại diện tích đất ở, gia đình bạn không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch giữa diện tích đất ở được xác định lại và diện tích đất ở ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trân trọng.

Luật sư Đoàn Thị Ngọc Linh (Trung tâm tư vấn pháp luật số 1 Tp.HCM)

(Theo TTO)

TIN CŨ HƠN
CHỦ ĐỀ KHÁC
TIN ĐƯỢC QUAN TÂM