Nhiều nhà đầu tư khá hồ hởi trước việc nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) đang dẫn đầu top những mã có lượng giao dịch cao nhất. Nhưng niềm vui này liệu có thể kéo dài không?
Cao ốc RES III, Q.7, Tp.HCM
Top đầu thanh khoản
Theo thống kê của Công ty Dữ liệu và Phân tích Stoxplus, nhóm cổ phiếu địa ốc, hạ tầng, vật liệu xây dựng đang vươn lên dẫn đầu top những mã có lượng giao dịch cao nhất.
Trong tháng 10, khối lượng giao dịch của nhiều cổ phiếu BĐS như: Tổng công ty XNK và Xây dựng Việt Nam (VCG), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC)... đã tăng vọt, từ mức trung bình vài trăm ngàn cổ phiếu/phiên trong tháng trước, đến nay đã đạt hàng triệu cổ phiếu/phiên.
Giao dịch ở một số cổ phiếu như HQC của Hoàng Quân, FLC của Tập đoàn FLC, ITA của Tập đoàn Tân Tạo, SCR của Sacomreal... còn được đánh giá là ấn tượng do khớp lệnh lớn. Cá biệt, có những ngày, nhóm cổ phiếu BĐS được thu gom ồ ạt.
Đơn cử, dư mua ở cổ phiếu HQC lên đến 5,5 triệu cổ phiếu (21/10), dư mua ở ITA hơn 4,4 triệu cổ phiếu (18/10), dư mua ở DIG (Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng) hơn 1,8 triệu cổ phiếu (18/10), dư mua ở Sacomreal-SCR (ngày 2/10) hơn1,5 triệu cổ phiếu...
Đối với diễn biến chung thị trường, các phiên ngày 2/10, 18/10, 21/10... cũng là những phiên thị trường đạt thanh khoản tốt. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường hôm 21/10 đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức giao dịch thường xuyên dưới 1.000 tỷ đồng trước đó.
Riêng sàn Tp.HCM, phiên 21/10 còn là phiên có lượng dư mua hơn 14 triệu cổ phiếu. Đây được xem là những phiên "đại thắng" của nhóm cổ phiếu BĐS nói riêng và thị trường nói chung.
Thực tế, trừ DIG, VIC và VNI... thì giá nhiều cổ phiếu BĐS vẫn đang giao dịch quanh các mức quen thuộc và đa phần vẫn còn dưới mệnh giá. Dù vậy, theo ghi nhận chung, nhà đầu tư vẫn rất hồ hởi. Bởi lẽ, khi một cổ phiếu có thanh khoản cải thiện, tức là dòng tiền đang đổ về cổ phiếu đó.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, không chỉ giá mà thanh khoản cổ phiếu mới là vấn đề nhà đầu tư lưu tâm. Giới đầu tư nhận ra rằng, họ sẽ mất nhiều hơn, từ cơ hội lẫn tiền bạc nếu phải chờ đợi lâu để mua hoặc bán một cổ phiếu nào đó.
Niềm vui qua mau?
Trước diễn biến sôi động và đầy ấn tượng của nhóm cổ phiếu BĐS, một số nhà đầu tư đã không khỏi bất ngờ. Nhưng với kết quả khảo sát của một số đơn vị tư vấn về giao dịch nhà đất trong quý III/2013, nhiều nhà đầu tư có lý do để kỳ vọng.
Theo báo cáo của CBRE, giao dịch nhà đất ở thị trường thứ cấp lần đầu tiên có dấu hiệu bình ổn trở lại kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào đầu năm 2011.
Thêm vào đó, số lượng giao dịch ở phân khúc giá trên 40 triệu đồng/m2 và giá dưới 15 triệu đồng/m2 cũng cải thiện đáng kể so với quý II/2013. Savills cũng đánh giá, căn hộ để bán là mảng thị trường tốt nhất trong quý III/2013.
Trước những nhận định trên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chỉ lưu ý: "Sự kỳ vọng có thể đến sớm hơn các dấu hiệu". Vì thực tế, tình trạng khó khăn trong doanh nghiệp BĐS vẫn còn phổ biến và thanh khoản của thị trường địa ốc vẫn chưa thấm vào đâu so với lượng hàng tồn kho ngất ngưởng.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư vẫn tìm sự lạc quan trong bức tranh kinh doanh có phần "sáng hơn" ở một số doanh nghiệp. Báo cáo tài chính của Công ty CP DV-XD Địa ốc Đất Xanh (DXG) ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 31,5 tỷ đồng trong quý III/2013, tăng vượt trội so với con số 517 triệu đồng cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, DXG lãi ròng 37,6 tỷ đồng, bằng 2,8 lần năm ngoái. Hay LNST trong quý III/2013 của HQC cũng tăng đáng kể, đạt 15,1 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với con số hơn 1 tỷ đồng cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo giải trình từ DXG, nguyên nhân của tăng trưởng lợi nhuận vượt trội chủ yếu ở doanh thu hoạt động tài chính. Quý III/2013, DXG ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính là 41,7 tỷ đồng, trong đó, 40,4 tỷ đồng là doanh thu từ việc chuyển nhượng 100% vốn cổ phần tại Công ty TNHH DL-TM-SX-XD Lý Khoa Nguyên cho Công ty CP Đầu tư BBC.
Trong khi đó, quý III/2012, doanh thu tài chính của DXG chỉ vỏn vẹn 682 triệu đồng. Về phía HQC, quý III/2013 là quý bàn giao một số đất nền, căn hộ cho khách hàng.
Đây cũng là quý HQC kiểm soát, tiết kiệm được chi phí. Vì thế, HQC ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, so với kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2013, đến cuối tháng 9, HQC mới chỉ đạt được 37% chỉ tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới Tư vấn Công ty CK VNDirect, xác nhận nhóm ngành BĐS vẫn chưa có nhiều chuyển biến.Trông chờ khả năng tăng ngoạn mục ở nhóm ngành này ở những tháng cuối năm 2013 là quá sớm.
Tuy nhiên, theo ông Du, vì dòng tiền trên thị trường thường có tính đầu cơ nên những cổ phiếu nào cho kỳ vọng cao, đang giao dịch ở các vùng trạng thái quá bán như cổ phiếu BĐS thì sẽ dễ được giới đầu cơ chú ý.
Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia trong lĩnh vực cũng cho rằng, sự khởi sắc ở nhóm BĐS hiện thiếu bền vững. "Những ai không am hiểu luật chơi mạo hiểm, tôi khuyên đừng đánh. Nên đứng ngoài vòng xoáy này hoặc chỉ nuôi những cổ phiếu mà mình thấu hiểu sản phẩm, cũng như biết rõ tình hình kinh doanh của doanh nghiệp", ông Đinh Thế Hiển khuyến cáo.
(Theo DNSG)