Chuyện về Thương xá Tax bị giải tỏa để xây dựng trung tâm thương mại cao 40 tầng vào những tháng cuối năm 2014 đã vấp phải sự phản đối của người dân và các nhà chuyên môn nhằm giữ lại kiến trúc của Sài Gòn xưa qua một công trình. Sự kiện này cũng gióng lên một hồi chuông cảnh báo về quy hoạch kiến trúc tại các đô thị lớn.
Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM, kiến trúc sư Trịnh Duy Anh bày tỏ sự bức xúc: "Việc phải bảo tồn Thương xá Tax đáng nhẽ không phải là chuyện phải bàn cãi, nếu cứ đập hết những di sản kiến trúc thì các đô thị sẽ mất hết phần hồn, mất hết ký ức". Tuy vậy, số phận của Thương xá Tax cũng đã được định đoạt.
Bước sang đầu năm 2015, Công ty CP Đầu tư DHC đầu tư xây dựng dự án "Ngọn hải đăng" trên sông Hàn, TP. Đà Nẵng đã thêm với một tin khá chấn động đối với giới quy hoạch kiến trúc đô thị cả nước. Được biết, tại cuộc họp quy hoạch kiến trúc diễn ra ngày 25/12/2014, lãnh đạo Đà Nẵng đã tán đồng chủ trương trên.
Công năng của dự án được cả chủ đầu tư và lãnh đạo thành phố khẳng định là đưa người dân và du khách lên điểm cao của ngọn hải đăng ngắm cảnh, tạo điểm nhấn du lịch kiến trúc nhưng thực ra đó là công trình xây khách sạn cao 25 tầng giữa dòng sông, đoạn chảy qua trung tâm thành phố.
Dự án "Ngọn hải đăng" trên sông Hàn, Đà Nẵng đang gây tranh cãi (Nguồn ảnh: tuoitre.vn)
Để xảy ra những vụ lùm xùm về xây dựng như thế này bắt nguồn từ căn bệnh tranh giành không gian ở các khu vực trung tâm văn hóa, kinh tế của đô thị của các nhà đầu tư. Mặc dù về quy hoạch khu trung tâm hai bên bờ sông công bố công khai trước nay chưa hề có thông tin sẽ dành không gian mặt nước sông Hàn cho việc xây dựng một công trình cao tầng. Việc xuất hiện dự án này khá bất ngờ với dư luận, và với cả giới chuyên môn.
Mới cuối năm ngoái, TP. Đà Nẵng lọt vào danh sách "Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới" của trang mạng du lịch TripAdvisor. Trang này nêu rõ du khách đánh giá cao thắng cảnh của con sông Hàn với kiến trúc cảnh quan đô thị đẹp và hiện đại. Không gian dòng sông mang vẻ sang trọng và mơ mộng khi chỉ có những cây cầu với kiến trúc đẹp vắt ngang.
Cách đây 8 năm, khi mở rộng cảnh quan hai bên bờ sông dù con đường lấn ra mặt nước nhưng TP phải sử dụng phương án đóng cọc đổ bê tông làm đường nổi, để tránh lấp dòng chảy phía dưới lòng sông.
Không chỉ người dân Đà Nẵng bức xúc, mà giới chuyên môn như các kiến trúc sư ở Hà Nội và Tp.HCM đều có ý kiến trái chiều với chủ trương này của TP. Đà Nẵng.
Kiến trúc sư chuyên môn như Ngô Viết Nam Sơn, Nguyễn Văn Tất, Hoàng Đạo Kính; các nhà nghiên cứu như Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng cảnh báo: khi xây dựng một công trình cao tầng trên mặt sông (cách bờ 30m) cần hết sức thận trọng khi chưa có báo cáo ảnh hưởng về môi trường, dòng chảy, cảnh quan kiến trúc, ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa cho khu vực, đương nhiên sẽ tạo nên dư luận trái chiều. Thậm chí người dân sẽ đặt ra vấn đề có thể công trình chiếm vị trí "vàng" trên mặt sông (nằm giữa hai cây cầu Rồng và cầu Sông Hàn) này là do bị sức ép của các nhà đầu tư.
Cách đây 10 năm, dự án xây khách sạn nghỉ dưỡng (khoảng 5 triệu đôla) trên đồi Vọng Cảnh, Huế, mặc dù đã làm lễ động thổ nhưng nhà đầu tư cũng đã phải buông bỏ do sức ép mạnh mẽ từ dư luận. Đặc biệt, UNESCO đã lên tiếng khuyến cáo tác hại xây dựng tại những vị trí làm tổn thương không gian văn hóa của sông Hương. Giấy phép đầu tư của dự án đã bị chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định thu hồi.
Công trình Thương xá Tax không được may mắn như vậy, chỉ một phần các chi tiết trang trí nội thất vào giờ cuối mới được các tổ chức ngoại giao nước ngoài lên tiếng hỗ trợ giữ lại.
Bí thư Thành ủy TP. Hội An, ông Nguyễn Sự cho biết, việc quy hoạch mở rộng không gian đô thị Hội An không đơn giản, mà chịu nhiều sức ép từ phát triển kinh tế, du lịch. Vị trí xây dựng khách sạn các nhà đầu tư chỉ muốn gần phố cổ càng nhiều càng tốt.
Mặc dù đã có hướng dẫn khống chế độ cao công trình, nhưng hầu như chủ đầu tư nào cũng muốn được xây dựng cao tầng, đe dọa phá vỡ không gian đô thị ở phố cổ. Mặc dù thế, Hội An cũng đã cương quyết nói không với tất cả các dự án có độ cao vượt quá quy định đã được TP đề ra.
Tưởng như Hội An đã để vuột nhiều dự án hạ tầng du lịch hấp dẫn, nhưng nhìn xa hơn sẽ thấy, kiến trúc cổ cho Hội An chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của TP.
Các dự án khách sạn bên bờ sông Hương (Huế) chen lấn nhau đã khiến cảnh quan của một di sản thiên nhiên bị phá vỡ, sông Hàn (Đà Nẵng) vì thế không nên lặp lại sai lầm, cho phép xây dựng những công trình có quy mô lớn ngay giữa dòng sông như thế. Hậu quả của việc quy hoạch kiến trúc đô thị bừa bãi phải về lâu dài mới thấm.
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)